Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Nguyễn Anh Tuấn cùng các thành viên Ban Tổ chức và đại diện một số bộ, ngành liên quan.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 là sự kiện đối ngoại đa phương quan trọng và có ý nghĩa to lớn, khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và chủ động của Việt Nam, đồng thời cho thấy sự quan tâm của Việt Nam đối với thanh niên và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay. Đây cũng là hoạt động thiết thực triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khoá XII về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, từ nay đến khi diễn ra hội nghị không còn nhiều, khối lượng công việc rất lớn, có tính chất đan xen, gắn kết, phụ thuộc lẫn nhau, quá trình vận hành song trùng, đòi hỏi các Tiểu ban, Ban Tổ chức, đơn vị phải hết sức chủ động, tích cực, trách nhiệm cao; thường xuyên phối hợp chặt chẽ, thực chất. Trên cơ sở Kế hoạch chung, tổng thể, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Ban Tổ chức phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết, trong đó xác định rõ đơn vị thực hiện, người chủ trì, người trực tiếp thực hiện; khẩn trương xây dựng phương án, kịch bản tổng thể và các sự kiện cụ thể.
Về công tác thông tin - tuyên truyền, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Đề án công tác thông tin - tuyên truyền, đồng thời lưu ý, cần lồng ghép thông điệp về đất nước, con người Việt Nam, lựa chọn các hoạt động phù hợp để tạo dấn ấn và sức lan tỏa, đồng thời quan tâm hơn đến truyền thông quốc tế và phối hợp chặt chẽ với Liên minh Nghị viện thế giới để truyền tải hiệu quả nội dung, thông điệp của Việt Nam.
Về công tác an ninh - lễ tân - hậu cầu - y tế, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhất trí với phương án đề xuất về cấp chủ trì và mức độ lễ tân của Hội nghị; đề nghị, để có sự chủ động, cũng như đúng quy định, cần dự toán chi tiết sớm, nhất là dự liệu khả năng phát sinh để trình lãnh đạo.
Báo cáo tiến độ công tác chuẩn bị Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, Ban Tổ chức hội nghị đã thành lập các Tiểu ban gồm: Nội dung; Lễ tân - Hậu cầu - An ninh - Y tế; Thông tin - Tuyên truyền và Ban Thư ký Quốc gia thuộc Ban Tổ chức Hội nghị. Ban Tổ chức đã ban hành Đề án tổng thể và Kế hoạch triển khai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.
Trên cơ sở đề xuất của Tiểu ban Nội dung, ý kiến của các thành viên Ban Tổ chức, ý kiến đồng ý của Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Hội nghị sẽ gồm 4 Phiên thảo luận chuyên đề về: Đánh giá tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững kể từ Tuyên bố Hà Nội năm 2015 và tầm quan trọng ngày càng tăng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy quá trình hướng đến các mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường; Thúc đẩy chuyển đổi số vì nền kinh tế xanh công bằng và có khả năng chống chịu; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vì nền kinh tế xanh, bền vững trong tương lai; Thúc đẩy sự tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững.
Các Tiểu ban và Ban Thư ký Quốc gia đã họp, phân công nhiệm vụ cho các thành viên và tích cực, chủ động xây dựng các đề án, thực hiện các nhiệm vụ được giao. Ban Thư ký Quốc gia đã phối hợp với Ban Thư ký IPU xây dựng dự thảo Thư mời tham dự Hội nghị do Chủ tịch IPU và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đồng ký và giữ vai trò kết nối với Ban Thư ký IPU trong công tác phối hợp chuẩn bị tổ chức Hội nghị; đôn đốc các Tiểu ban xây dựng, hoàn thiện các dự thảo Đề án, triển khai các công việc bảo đảm tiến độ theo kế hoạch; tổ chức các cuộc họp, dự thảo thông báo kết luận, văn bản của Ban Tổ chức Hội nghị.