Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.
Tập trung cao độ, bắt tay ngay tổ chức triển khai công việc bảo đảm nhanh, khoa học, hiệu quả
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, sau cuộc họp giao ban tháng 1 vừa qua (ngày 10.1.2024), đây được coi là cuộc họp giao ban khởi động của năm mới. Và điều đáng mừng, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, đó là "trước, trong, sau Tết toàn cơ quan cơ bản đã chấp hành rất nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, bảo đảm an toàn về người và tài sản".
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao tinh thần hết sức trách nhiệm, chủ động của các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong khoảng thời gian từ đầu năm đến nay, mặc dù chuẩn bị Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhưng các cơ quan vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra.
Đặc biệt là các cơ quan đã cố gắng, tập trung cao độ, tham mưu tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Năm để trình Quốc hội xem xét, thông qua 2 luật và 2 nghị quyết, trong đó Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) là 2 luật rất quan trọng, khó, đã được Quốc hội cho ý kiến tại nhiều Kỳ họp; sau khi kết thúc Kỳ họp, các cơ quan cũng đã khẩn trương triển khai các thủ tục trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực các luật, nghị quyết.
Cùng với đó, các cơ quan đã tham mưu tổ chức thành công phiên họp ngày 5.2.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; thông qua Nghị quyết quy định về Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam” và Nghị quyết quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội diễn ra sôi nổi ngay từ đầu năm, được các cơ quan tham mưu, chuẩn bị chu đáo, hiệu quả, bám sát định hướng đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nhất là Chương trình đối ngoại của Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Các hoạt động thăm, chúc Tết Nguyên đán Giáp Thìn của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội tại các địa phương theo phân công của Bộ Chính trị và thăm, chúc Tết các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bậc lão thành cách mạng được tham mưu, phục vụ bảo đảm chu đáo, hiệu quả, an toàn và phù hợp với tình hình thực tế.
Các cơ quan đã thực hiện tốt công tác chăm lo đón Tết cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đặc biệt Công đoàn Văn phòng Quốc hội đã vận động các cơ quan, đơn vị hỗ trợ quà tết bằng hiện vật cho toàn thể công đoàn viên với khoảng 2.000 suất quà cho công đoàn viên (tổng kinh phí khoảng 3 tỷ đồng), tạo không khí đầm ấm, phấn khởi nhân dịp Tết đến, Xuân về.
Tiếp nối thành công của Giải Diên Hồng lần thứ Nhất, tháng 1.2024 vừa qua, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, HĐND TP. Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan hữu quan tổ chức thành công Lễ Trao Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ Hai - năm 2024.
Trong thời gian còn lại của tháng 2 và tháng 3.2024, dự kiến khối lượng công việc cần triển khai theo kế hoạch là rất lớn. Lưu ý điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan tập trung cao độ, bắt tay ngay vào việc tổ chức triển khai công việc bảo đảm nhanh, khoa học, hiệu quả, trong đó, lưu ý một số nhiệm vụ quan trọng như sau.
Thứ nhất, tiếp tục triển khai nghiêm túc việc thực hiện ý kiến kết luận tại cuộc họp giao ban hàng tháng của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và của Lãnh đạo Quốc hội; chủ động tham mưu thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tiếp tục triển khai và đẩy nhanh thực hiện các nội dung, đề án còn lại thuộc Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thứ hai, chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ các nội dung trình tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước mắt là phiên họp thứ 30 (ngày 22.2), phiên họp thứ 31 (từ 11-15.3) và phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 3.2024 (từ 25 - 28.3).
Thứ ba, tập trung thực hiện nghiêm túc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó, các cơ quan chủ trì tiếp tục tập trung tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện 9 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy; đồng thời, bám sát tiến độ chuẩn bị của cơ quan soạn thảo 12 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy và các dự án trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám để bảo đảm chất lượng công tác thẩm tra.
Kịp thời báo cáo Lãnh đạo Quốc hội về những vướng mắc trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Với tinh thần chung ưu tiên trên hết, trước hết, cao nhất là hiệu quả công việc và tính chuyên nghiệp trong phối hợp công việc, thống nhất tháo gỡ khó khăn (nếu có) ngay từ đầu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu, Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được giao nhiệm vụ thẩm tra, có báo cáo kịp thời Lãnh đạo Quốc hội về những vướng mắc cho ý kiến trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, chủ động rà soát, triển khai, đôn đốc việc triển khai các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các nhiệm vụ lập pháp mới được bổ sung theo Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15 ngày 22.1.2024.
Tổng Thư ký Quốc hội sớm ban hành Kế hoạch và phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan triển khai việc nghiên cứu, rà soát Luật Tổ chức Quốc hội bảo đảm hoàn thành trong năm 2024. Đồng thời, thường xuyên rà soát, báo cáo, đề xuất các nhiệm vụ lập pháp mới để triển khai kịp thời các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng yêu cầu, chủ động rà soát, phối hợp và đôn đốc các cơ quan hữu quan ban hành văn bản quy định chi tiết được giao tại các luật, nghị quyết thuộc lĩnh vực phụ trách bảo đảm có hiệu lực đồng thời khi luật, nghị quyết có hiệu lực, nhất là các luật vừa được Quốc hội thông qua, như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); đồng thời, chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội khóa XV vào ngày 7.3 tới theo Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành.
Thứ tư, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, tiếp tục tham mưu triển khai các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 bảo đảm đúng tiến độ theo kế hoạch; trong đó, khẩn trương chuẩn bị tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Phiên họp thường kỳ tháng 3 tới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ năm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng giao giao Thường trực Ủy ban Đối ngoại tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan triển khai Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 bảo đảm thực hiện đúng đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước...
Thứ sáu, tiếp tục tham mưu chuẩn bị chu đáo cho các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội thăm làm việc tại các địa phương cơ quan, đơn vị và các hoạt động kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2).
Thứ bảy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu khẩn trương tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban soạn thảo để triển khai việc xây dựng chính sách tiền lương đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của UBTVQH, đại biểu HĐND chuyên trách, khối Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và Kiểm toán Nhà nước; chủ trì tham mưu chuẩn bị tổ chức Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023, triển khai kế hoạch công tác năm 2024 và Lễ phát động thi đua gắn với tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH.
Thứ tám, đẩy nhanh tiến độ triển khai các hoạt động tiến tới kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam, trong đó, sớm tham mưu xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai chi tiết, cụ thể đối với từng hoạt động; tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề tài cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”.
Thứ chín, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội khẩn trương tham mưu đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án Quốc hội điện tử; thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Triển khai thực hiện tốt các công tác bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn, phương tiện, y tế; thông tin, báo chí, hành chính, tổng hợp, thư viện, tin học, tài chính, lễ tân, đoàn thể… phục vụ cho các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về công tác thông tin, truyền thông, ghi nhận thời gian qua Báo Đại biểu Nhân dân và Truyền hình Quốc hội đã làm rất tốt, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, hai đơn vị cần nghiên cứu, tham mưu sâu để công tác tuyên truyền, thông tin các dự án luật, nghị quyết bảo đảm có điểm nhấn, có chiều sâu hơn nữa, nêu bật những được điểm mới để người dân, cử tri dễ đọc, đễ hiểu, dễ tiếp cận thông tin…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Văn phòng Quốc hội cần đề xuất thời gian và tổ chức hiệu quả, thành công, đổi mới hội nghị liên tịch đánh giá kết quả công tác thường niên theo Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Ngay sau cuộc họp giao ban này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Văn phòng Quốc hội sớm hoàn thiện kết luận cuộc họp, làm cơ sở để các cơ quan triển khai thực hiện.
Trước đó, báo cáo tổng hợp về công tác chủ yếu trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn 2024, chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đón Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, bảo đảm an toàn về người và tài sản.
Đồng thời, tham mưu, phục vụ các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội thăm, chúc Tết, tặng quà, thăm hỏi các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo, công nhân, người lao động, một số đơn vị vũ trang bảo đảm chu đáo, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế; xử lý công việc trong những ngày giáp Tết và cả trong Tết, bảo đảm chất lượng, tiến độ, phân công trực Tết khoa học, đầy đủ, giải quyết kịp thời mọi công việc, bảo đảm các hoạt động thông suốt trong dịp Tết; thực hiện tốt công tác chăm lo đón Tết cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; chuẩn bị triển khai các nhiệm vụ khác ngay sau Tết Nguyên đán, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm.