Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Thường trực Ủy ban Pháp luật; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn.
Báo cáo việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Hải Hưng trình bày cho biết, về xây dựng pháp luật, Ủy ban sẽ tiến hành chủ trì thẩm tra đối với dự án Luật Phòng thủ dân sự; dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Đối với một số dự án, dự thảo, như: dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự án Luật Phòng không nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ..., Thường trực Ủy ban đã phân công theo dõi việc xây dựng. Khi có hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, Thường trực Ủy ban sẽ tổ chức thẩm tra đề nghị theo quy định và phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật để xem xét việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Về hoạt động giám sát chuyên đề, năm 2023, Ủy ban chọn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp” với mục đích nắm thực trạng thực hiện pháp luật về lĩnh vực này để báo cáo Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về hoạt động khảo sát, Ủy ban sẽ khảo sát sát phục vụ thẩm tra dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự nhằm phục vụ thẩm tra dự án Luật này trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm, thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu. Khảo sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ phục vụ thẩm tra dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (trong trường hợp dự án Luật này được sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023); đồng thời phục vụ thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm. Ngoài ra, Ủy ban sẽ tiến hành khảo sát kết quả thực hiện Nghị quyết 99/2019/QH14 ngày 27.11.2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá năm 2022, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trong đó có một số nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Để có được kết quả này, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Ủy ban đã phát huy tinh thần chủ động chuẩn bị “từ sớm, từ xa”; bám sát đúng các chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở xác định rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Quốc hội. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng, đoàn kết và phát huy tinh thần, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, Thường trực, các thành viên của Ủy ban, cũng như Vụ Quốc phòng và An ninh. Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đã làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện tốt truyền thông trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh…
Cơ bản đồng tình với các hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cần tiếp tục rà soát, phối hợp với các cơ quan liên quan để đôn đốc triển khai thực hiện theo kế hoạch, nội dung nào chậm thì cần tích cực triển khai nhằm hoàn thành đúng tiến độ.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, dù nhiệm vụ năm 2023 rất nặng nề, song Ủy ban sẽ tiếp tục cố gắng, phát huy tinh thần đoàn kết và những kết quả đã đạt được để hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch. Hiện nay, Ủy ban cũng đã ký kết phối hợp công tác với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Văn phòng Chủ tịch Nước để chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ.