Tham dự Phiên họp có đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách; đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Theo Tờ trình của Chính phủ, trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã tiến hành tổng kết Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17.11.2020 của Quốc hội. Tuy nhiên, thời gian thực hiện Nghị quyết bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên còn nhiều nội dung chưa kịp triển khai, cần có thời gian để tiếp tục xử lý những tồn đọng. Do đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị sớm tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết số 132 để có đủ cơ sở thực tiễn bổ sung cho quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo Khoản 1, Điều 8 Nghị quyết 132 thì Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1.2.2021 và hết hiệu lực khi Luật Đất đai số 45/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 được sửa đổi và có hiệu lực thi hành. Như vậy, khi sửa đổi Luật Đất đai thì phải đồng thời tổng kết, đánh giá việc triển khai thí điểm, để từ đó có các kiến nghị, đề xuất cụ thể trong dự thảo Luật.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh, trường hợp chưa tổng kết được toàn diện các nội dung của Nghị quyết 132 thì cần tổ chức khảo sát, tham vấn, hội nghị chuyên sâu để đánh giá kỹ các vấn đề cần phải được luật hóa. Các quy định về đất quốc phòng, an ninh cần phải chặt chẽ, cụ thể, khả thi, tránh nhiều cách hiểu khác nhau trên cơ sở bám sát kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cụ thể là, “bảo đảm nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định mang tính chất ổn định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng, không phát sinh vấn đề vướng mắc; đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định để khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không hợp thức hóa những vướng mắc nhưng có tính chất vi phạm. Không đưa vào Luật những vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng mang còn tính sự vụ, hiện tượng nhỏ lẻ, cá thể”.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị, cân nhắc và đánh giá kỹ việc bổ sung mới Khoản 7 vào Điều 200 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về “Xử lý đất quốc phòng, an ninh đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện và đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn”. Việc quy định trong Luật nội dung có tính chất “xử lý tình huống” và đang được thí điểm là không phù hợp và khó bảo đảm tính tổng thể, toàn diện, khả thi. Cùng với đó, quy định “Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an và tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất quốc phòng, an ninh rà soát, đánh giá hiệu quả về quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội, môi trường của dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện trước ngày Nghị quyết số 132/2020/QH14 có hiệu lực thi hành; lập báo cáo rà soát và đề xuất phương án xử lý” là không rõ về nội dung, không mang tính quy phạm. Quy định “Đối với dự án, hợp đồng liên doanh liên kết sai phạm” là không cụ thể, chưa rõ tiêu chí thế nào là sai phạm...
Tại Phiên họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các đại biểu cũng đã góp ý về một số nội dung về: đất sử dụng đa mục đích; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng…
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức Phiên họp mở rộng về nội dung liên quan đến đất quốc phòng, an ninh; nêu rõ, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có phạm vi rộng, tác động lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước và tác động đến quyền con người, quyền công dân. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổng hợp các ý kiến, nêu rõ quan điểm của Ủy ban về các vấn đề có liên quan.
Về Nghị quyết số 132/2020/QH14, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần đánh giá thật kỹ để trên cơ sở tổng kết và kiến nghị của Chính phủ sẽ xem xét luật hóa nội dung nào vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên tinh thần bảo đảm yêu cầu phù hợp thực tế, thống nhất với các quy định của hệ thống pháp luật, đồng thời, tránh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.