Cùng tham gia Đoàn có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên; Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng Lã Thanh Tân; Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng Lê Anh Quân; đại diện Bộ Nội vụ, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và các ban, ngành, đơn vị của thành phố Hải Phòng.
Sáng nay, Đoàn giám sát đã có cuộc làm việc với UBND quận Lê Chân.
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, là địa phương có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập, Hải Phòng nằm trong tốp đầu của cả nước trong thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; kết quả sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021 của Hải Phòng đạt chỉ tiêu Trung ương giao với nhiều kinh nghiệm.
Do đó, với chuyên đề giám sát lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nắm thêm về tình hình thực tế tại Hải Phòng, phát huy những kinh nghiệm thành công của thành phố, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, từ đó hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần thực hiện đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo thuận lợi cho các địa phương. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, mục tiêu của chuyên đề giám sát là thấy được kết quả tốt để phát huy, thấy được khó khăn để khắc phục, thấy được tồn tại, yếu kém để có biện pháp xử lý và sau giám sát có nghị quyết để giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đi vào thực tiễn cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND quận Lê Chân Nguyễn Hoàng Linh cho biết, thời gian qua, UBND quận đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Thành ủy, UBND TP. Hải Phòng và Quận ủy Lê Chân để xây dựng và ban hành các kế hoạch, đề án thực hiện. Kịp thời tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật theo quy định, chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động xây dựng các văn bản triển khai rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giảm biên chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn. Đến nay, quận đã giảm được 6 đơn vị sự nghiệp so với năm 2015.
Tuy nhiên, chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc trong đa số các đơn vị sự nghiệp công lập được giao còn thấp, một số đơn vị còn thiếu nhân lực so với yêu cầu nhiệm vụ (như lĩnh vực giáo dục). Do đó, việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế còn gặp nhiều khó khăn. Số đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên còn ít, do điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nên khả năng thực hiện xã hội hóa một số dịch vụ còn hạn chế. Nguồn thu từ phí, thu từ các hoạt động cung cấp dịch vụ của một số đơn vị sự nghiệp công lập không ổn định, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng mức độ tự chủ để tiến tới tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên.
Đánh giá cao nội dung báo cáo của UBND quận Lê Chân, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị quận và các đơn vị làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc quận gặp phải khi thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; kế hoạch cụ thể của quận để có thể góp phần cùng TP. Hải Phòng đạt được mục tiêu đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu 10% số đơn vị sự nghiệp công lập và 10% số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021, nhất là gắn với việc thực hiện chủ trương tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn quận.
Một số ý kiến đề nghị, quận Lê Chân đánh giá, làm rõ việc duy trì, tổ chức lại Trung tâm y tế quận, mức độ đáp ứng yêu cầu và hiệu quả hoạt động thực tế trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ khám, chữa bệnh; làm rõ hơn về mức độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự chủ...
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao quận Lê Chân cùng với TP. Hải Phòng đã có nhiều cố gắng trong tổ chức thực hiện, với nhiều mô hình về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn, cho thấy nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức…, bảo đảm sau sắp xếp cơ bản duy trì ổn định hoạt động của các đơn vị.
Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn tồn tại, hạn chế xuất phát từ khó khăn do đặc điểm riêng của quận Lê Chân, hoặc cũng có nội dung chưa có hướng dẫn cụ thể…; cho biết Đoàn giám sát sẽ tổng hợp đầy đủ, làm rõ các nội dung tại các cuộc làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan.
+ Sáng cùng ngày, Tổ công tác số 2 của Đoàn giám sát đã có cuộc làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hải Phòng.