Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình.
Về phía các bộ có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và lãnh đạo các bộ, ngành.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch trong 3 năm 2020-2022, nguồn ngân sách nhà nước đã bố trí là 186.565.426 triệu đồng, trong đó năm 2020 là 24.483.665 triệu đồng; năm 2021 là 90.465.691 triệu đồng; năm 2022 là 71.616.070 triệu đồng. Nguồn viện trợ nước ngoài (chủ yếu là vaccine, hàng hóa, vật tư y tế quy đổi) là 14.873.776 triệu đồng, trong đó năm 2020 là 161.063 triệu đồng; năm 2021 là 11.504.564 triệu đồng; năm 2022 là 3.208.150 triệu đồng.
Quỹ vaccine phòng Covid-19 của Trung ương đã huy động đến hết năm 2022 là 10.682.374 triệu đồng. Quỹ vaccine phòng Covid - 19 của địa phương đã huy động được 4.466.195 triệu đồng. Nguồn huy động đóng góp của ngân sách địa phương là 17.094.040 triệu đồng. Các địa phương đã chi từ nguồn huy động, đóng góp (bao gồm nguồn Quỹ vaccine phòng Covid-19 của địa phương) là 16.661.543 triệu đồng.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã chủ động trong việc tham mưu kịp thời đề xuất trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách tài khóa để huy động và sử dụng nguồn lực của ngân sách nhà nước, các nguồn lực tài chính khác cho công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch. Đồng thời, huy động thêm các nguồn viện trợ, tài trợ đóng góp của các tổ chức trong và ngoài nước cho công tác phòng, chống dịch. Qua đó, đã đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu về nguồn lực đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công thấp hơn giới hạn cho phép.
Đoàn giám sát của Quốc hội cơ bản đồng tình với Báo cáo của Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vướng mắc ở địa phương trong việc huy động, quản lý sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid -19 chưa được phản ánh rõ trong Báo cáo của các Bộ, ngành. Đơn cử, việc huy động nguồn lực phòng, chống dịch Covid -19 từ xác định nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản phòng, chống dịch đều đang có vướng mắc.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế được triển khai quyết liệt, thực hiện nhanh chóng, nhưng theo các thành viên Đoàn giám sát, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận. Bộ Tài chính cũng cần đánh giá thêm về việc triển khai thực hiện Quỹ vaccine, có sự khác biệt gì giữa triển khai thực hiện Quỹ này ở Trung ương và địa phương hay không.
Một số thành viên Đoàn giám sát đề nghị Bộ Y tế làm rõ, việc sử dụng nguồn vật tư, y tế hóa chất, thuốc phòng, chống dịch Covid - 19 chuyển sang chữa bệnh thông thường đã có sự chỉ đạo thống nhất trong cả nước hay chưa. Đây cũng là nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid -19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đến ngày 31.12.2024. Nếu chậm trễ thì sẽ không kịp triển khai chính sách này trong thời hạn Quốc hội cho phép.
Đối với Ngân hàng Nhà nước, các thành viên Đoàn giám sát chỉ rõ, hai chính sách chưa đạt yêu cầu và mong muốn là: chính sách cho vay hỗ trợ trả lương, phục vụ sản xuất và chính sách hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân hàng nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ – CP ngày 20.5.2022 của Chính phủ.
Với Bộ Thông tin và Truyền thông, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị cần làm rõ hơn việc thực hiện Chương trình Sóng và máy tính cho em, bởi thực tế giám sát tại các địa phương cho thấy, có tình trạng nơi có máy tính lại không có internet, hoặc nơi máy tính đưa về sử dụng vẫn đang ở nơi lưu trữ, chưa đến được với học sinh...
Kết luận tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch Covid -19 đã huy động được sự vào cuộc của các cơ quan đoàn thể, người dân, kiều bào và doanh nghiệp. Những đóng góp này là không thể “cân đong, đo đếm”. Đây là tình nghĩa, tình đồng bào phải được ghi nhận, biểu dương trong Báo cáo huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid – 19.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, dịch bệnh bất ngờ, chưa từng có tiền lệ, nên công tác chỉ đạo không tránh khỏi có sự lúng túng. Ngay trong Báo cáo của các Bộ, ngành vẫn còn thiếu thống nhất về nhận định, số liệu.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các Bộ, ngành cần bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, đánh giá kỹ, rà soát tình hình, phân kỳ giai đoạn trước khi có Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XVvà sau khi có Nghị quyết này thì việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid -19 ra sao, trên cơ sở đó, hoàn thiện lại báo cáo gửi Đoàn giám sát.
Có trường hợp do cấp bách, đặc biệt nên địa phương phải áp dụng cơ chế chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trước khi có Nghị quyết 30, vậy sau khi thanh tra, kiểm tra, nếu thấy làm đúng, không sai phạm, có cho phép áp dụng như khi đã ban hành Nghị quyết 30 hay không?
Đặt vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, trong kiến nghị của các Bộ, ngành cần làm rõ các vướng mắc, giải pháp đối với trường hợp xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản, trang thiết bị phòng, chống dịch Covid – 19; việc chuyển nguồn thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch sang khám chữa bệnh thông thường; việc thanh toán, quyết toán và bàn giao các cơ sở thu dung, bệnh viện dã chiến. Vấn đề gì giải quyết được ngay, Chính phủ cần khẩn trương khắc phục, không chờ đến khi có Nghị quyết giám sát của Quốc hội.
Hôm nay, 14.3, Đoàn giám sát của Quốc hội tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành về việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.