Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì hội thảo.
Tham dự có: Thường trực Ủy ban Kinh tế và đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính,… cùng đại biểu Quốc hội một số tỉnh.
Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có: Phó Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn cùng đại diện các ban chuyên môn, lãnh đạo một số doanh nghiệp thành viên.
Khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trước yêu cầu cấp thiết về việc sửa đổi Luật Dầu khí, tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Đã có 90 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận tổ và 23 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường về dự thảo Luật này. Các ý kiến đều rất tâm huyết, thẳng thắn, trí tuệ và trách nhiệm.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp thu, rà soát tổng thể và chỉnh lý toàn bộ dự thảo Luật trên nguyên tắc bảo đảm tính đặc thù trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Các đại biểu dự Hội thảo đã đóng góp ý kiến về nhiều nội dung cụ thể của dự thảo Luật như: Đối tượng, chính sách ưu đãi, chính sách khai thác tận thu dầu khí; đề xuất hợp đồng dầu khí mới trước khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn và tiếp nhận mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí từ nhà thầu khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn; dự án phát triển mỏ dầu khí trên đất liền, dự án phát triển dầu khí có hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền; việc lập, thẩm định kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí đối với các dự án dầu khí có hoạt động đầu tư xây dựng trên đất liền, phê duyệt hợp đồng dầu khí...
Các ý kiến cũng xoay quanh chức năng, quyền và nghĩa vụ của PVN trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, quản lý nhà nước về dầu khí và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao ý kiến phát biểu của các đại biểu.
Nhấn mạnh đây là dự luật khó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Kinh tế, Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn hiện dự thảo Luật, dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật và báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm tiến độ, chất lượng, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 14 (tháng 8.2022) và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tư (tháng 10.2022).
Kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ghi nhận đầy đủ các ý kiến của các đại biểu và tiếp thu ý kiến chỉ đạo, định hướng của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nêu rõ, việc sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí lần này cần bảo đảm 6 yêu cầu chủ yếu:
Một là, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23.7.2015 của Bộ Chính trị về “định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035” và Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về “định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Hai là, tăng cường tính minh bạch, hướng tới phát triển bền vững ngành dầu khí, đặc biệt trong điều kiện lợi thế cạnh tranh của nhiên liệu hóa thạch đang bị suy giảm theo thời gian.
Ba là, đổi mới cách tiếp cận, bảo đảm Luật Dầu khí là luật chuyên ngành về đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Bốn là, thống nhất nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng Luật là phát triển ngành dầu khí để phát triển kinh tế nhưng gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế; bảo đảm an toàn cho người, tài sản, lợi ích chính đáng của nhà đầu tư khi tham gia điều tra cơ bản và hoạt động dầu khí trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Năm là, thực hiện cải cách theo hướng hiệu lực, hiệu quả, phân cấp, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan, trong đó, phát huy vai trò của Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí, quy định cụ thể chức năng và cơ chế giám sát, kiểm tra của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với việc sử dụng vốn nhà nước tại PVN và các đơn vị thành viên, làm rõ vai trò của PVN với tư cách là nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng khí và với tư cách thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ.
Sáu là, xử lý, tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong quy định của pháp luật về dầu khí, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách đặc thù cho ngành dầu khí và quy định cụ thể trong Luật Dầu khí để thống nhất áp dụng, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu, định hướng theo Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Công Thương, PVN… để hoàn thiện dự thảo Luật và báo cáo tiếp thu, giải trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 14 (tháng 8.2022) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tư (tháng 10.2022).