Tham dự cuộc làm việc có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa và các thành viên Ủy ban Xã hội.
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong giới thiệu một số lĩnh vực mà Đoàn quan tâm. Theo đó, về lĩnh vực lao động, việc làm, Quốc hội Việt Nam đã ban hành nhiều đạo luật, như: Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Công đoàn… Hệ thống pháp luật về lao động - việc làm với nền tảng là Bộ luật Lao động đóng vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý để hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện lao động, xác lập rõ ràng hơn các nguyên tắc sử dụng lao động, quản lý lao động, thúc đẩy và bảo vệ việc làm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ lao động, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong dài hạn, điều chỉnh các quan hệ xã hội khác có liên quan mật thiết với quan hệ lao động, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và từng bước nội luật hóa các công ước quốc tế.
Về lĩnh vực an sinh xã hội, hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam được xây dựng dựa trên nguyên lý quản lý rủi ro, đồng thời nhấn mạnh vai trò cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, bao gồm 4 nhóm chính sách trụ cột. Đó là nhóm chính sách việc làm bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo; nhóm chính sách bảo hiểm xã hội (hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro khi bị ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già…); nhóm chính sách trợ giúp xã hội (hỗ trợ người dân khắc phục rủi ro không lường trước); nhóm chính sách dịch vụ xã hội cơ bản (nhằm tăng cường cho người dân khả năng tiếp cận hệ thống dịch vụ cơ bản ở mức tối thiểu).
Cuối năm 2023, Việt Nam sẽ tiến hành sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nhằm xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, linh hoạt theo mô hình đa tầng, hiện thực hóa mục tiêu bảo hiểm xã hội là trụ cột quan trọng nhất trong chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng dễ bị tổn thương đã được lồng ghép trong nhiều đạo luật.
Về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân và dân số, đây là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Các chính sách, pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực này đều hướng tới việc nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em; đổi mới cơ chế tài chính y tế, hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế; phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện; nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới toàn diện hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, Australia là một quốc gia thực hiện khá tốt công tác bình đẳng giới, gia đình và mong muốn trao đổi kinh nghiệm hay trong lĩnh vực này.
Tại cuộc làm việc, Đoàn cũng nghe giới thiệu về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội Việt Nam; những công việc các cơ quan của Quốc hội Việt Nam trong thực hiện chức năng giám sát các bộ, ngành triển khai thi hành các Luật, Nghị quyết.