Chảy máu dưới nhện không do chấn thương (SAH- Subarachnoid hemorrhage) thường do vỡ phình mạch não (chiếm 80%), ngoài ra còn do dị dạng mạch và viêm mạch. Chảy máu dưới nhện chiếm từ 5-10% tổng số các ca đột quỵ, gây tàn phế nặng nề và có xu hướng xảy ra trên những bệnh nhân trẻ hơn so với các loại đột quỵ khác như nhồi máu não, chảy máu nhu mô não.
Trong số các bệnh nhân chảy máu dưới nhện do vỡ phình mạch, có đến hơn 50% phải chịu những ảnh hưởng tâm lý lâu dài, giảm chất lượng cuộc sống một cách đáng kể.
Việc xác định và điều trị sớm có thể giải quyết hậu quả và ngăn ngừa tái phát phình mạch não vỡ. Trong hầu hết các trường hợp, can thiệp mạch là lựa chọn tối ưu khi phát hiện thủ phạm là túi phình mạch não vỡ.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ vỡ phình mạch não
Phình động mạch não tồn tại ở 1-2% dân số nói chung. Vị trí túi phình thường hình thành tại các điểm phân chia các động mạch nội sọ - Nơi khả năng chịu đựng áp lực huyết động yếu hơn các vị trí khác.
Nguy cơ phình động mạch não tăng lên ở những người có tiền sử gia đình có phình động mạch não, hoặc ở một số bệnh nhân rối loạn mô liên kết (ví dụ: hội chứng Ehlers-Danlos) và người mắc thận đa nang. Các yếu tố làm tăng nguy cơ vỡ phình mạch não gồm: Tăng huyết áp, hút thuốc lá, lạm dụng rượu, sử dụng thuốc cường giao cảm.
Tỷ lệ xuất huyết dưới nhện do vỡ phình mạch não khác nhau ở các nước, tính trung bình khoảng 14,5:100000 người. Chảy máu dưới nhện do vỡ phình mạch nhiều hơn ở phụ nữ và độ tuổi hay gặp nhất khoảng 50 tuổi. Khi phình mạch não vỡ, đó là một thảm họa thực sự. Tỷ lệ tử vong khi vỡ phình mạch được báo cáo lên tới 25-50%.
Dấu hiệu nhận biết và triệu chứng
Triệu chứng điển hình của chảy máu dưới nhện do vỡ phình mạch não được mô tả là “cơn đau đầu tồi tệ nhất trong cuộc đời”. Cơn đau khởi phát đột ngột, dữ dội và nhanh chóng đạt đến mức tối đa (thường gọi là đau đầu sét đánh).
Khoảng 10 - 40% bệnh nhân xuất hiện cơn đau đầu cảnh báo. Dấu hiệu “dọa vỡ phình mạch”, thường xảy ra trong vòng 2-8 tuần trước khi vỡ phình mạch thực sự. Thời điểm vỡ túi phình có thể xảy ra ngay cả khi đang sinh hoạt bình thường.
Các triệu chứng khác thường gặp là buồn nôn, nôn, gáy cứng, sợ ánh sáng, dấu hiệu thần kinh khu trú và mất ý thức trong thời gian ngắn. Sự suy giảm ý thức từ lú lẫn đến hôn mê là yếu tố quyết định đến tiên lượng bệnh.
Chảy máu dưới nhện chỉ chiếm khoảng 1% trong số các bệnh nhân đau đầu được đánh giá ở phòng cấp cứu, thường bị bỏ qua với các chẩn đoán đau nửa đầu hoặc các loại đau đầu khác. Tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân này tăng gấp 4 lần so với bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị chính xác từ sớm. Do vậy bệnh sử chi tiết có thể hữu ích để chẩn đoán sớm và cứu mạng bệnh nhân trong một số trường hợp.
Điều trị phình mạch não vỡ
Các bệnh nhân vỡ phình mạch não tái phát có nguy cơ tử vong và di chứng thần kinh cao hơn nhiều so với các bệnh nhân vỡ phình mạch lần đầu. Nguy cơ vỡ phình mạch tái phát từ 4 - 14% trong 24 giờ đầu sau chảy máu dưới nhện nếu không được điều trị.
Tăng huyết áp có thể làm tăng nguy cơ vỡ phình mạch tái phát nhưng đích điều trị vẫn còn đang tranh cãi. Co giật xảy ra ở khoảng 20% bệnh nhân, đặc biệt ở những bệnh nhân chảy máu nhu mô não gây mất ổn định huyết động dẫn đến vỡ phình mạch tái phát. Việc sử dụng thuốc chống động kinh dự phòng co giật chưa được khuyến cáo sử dụng thường quy.
Các nghiên cứu đã cho thấy việc điều trị phình mạch não vỡ là cần thiết để loại trừ nguy cơ vỡ phình tái phát. Hiện tại có 2 phương pháp chính là phẫu thuật kẹp túi phình và can thiệp mạch. Cả 2 phương pháp đều đòi hỏi người can thiệp chuyên môn cao tại các cơ sở y tế có khả năng điều trị.
Biến chứng chảy máu dưới nhện và điều trị
Co thắt mạch não: Giảm kích thước động mạch não trên phim chụp động mạch sau chảy máu dưới nhện do vỡ phình mạch (co thắt mạch não) xảy ra ở khoảng 70% bệnh nhân. Quá trình này thường bắt đầu sau 3-4 ngày kể từ lúc vỡ phình mạch, đạt đỉnh điểm sau 7-10 ngày và thường tự khỏi sau 14-21 ngày.
Thiếu máu não muộn (DCI) là một hội chứng lâm sàng khi xuất hiện các dấu hiệu thần kinh khu trú do thiếu máu não, xảy ra ở khoảng 1/3 số bệnh nhân, điển hình thường từ 4-14 ngày sau vỡ phình mạch não. Đây là nguyên nhân chính gây tử vong và tàn tật sau chảy máu dưới nhện.
Thiếu máu não cục bộ xuất hiện ở ít hơn 1 nửa số bệnh nhân bị co thắt mạch và không luôn luôn xảy ra ở các vùng lãnh thổ của động mạch não bị co thắt. Nimodipine là loại thuốc duy nhất hiện tại được chứng minh làm giảm nguy cơ thiếu máu não muộn, cải thiện thần kinh sau chảy máu dưới nhện nhưng không làm thay đổi mức độ nghiêm trọng của co thắt mạch.
Não úng thủy cấp tính có thể xuất hiện sau chảy máu dưới nhện do sự xuất hiện của máu gây tắc nghẽn dẫn lưu dịch não tủy bình thường. Tỷ lệ não úng thủy sau chảy máu dưới nhện dao động 15 - 85%, hầu hết các trường hợp không có triệu chứng lâm sàng.
Biến chứng khác: Các biến chứng khác của chảy máu dưới nhện do vỡ phình mạch não có thể gặp như rối loạn thân nhiệt, hạ đường huyết, rối loạn điện giải, tăng áp lực nội sọ, động kinh… Việc điều trị chảy máu dưới nhện do vậy nên thực hiện ở các cơ sở chăm sóc tích cực, tốt nhất là ở các đơn vị hồi sức thần kinh.
Bác sĩ khuyến cáo
Chảy máu dưới nhện do vỡ phình mạch não là tình trạng cấp cứu thần kinh đe dọa tính mạng, thường ảnh hưởng đến người trẻ tuổi hơn so với các loại đột quỵ khác.
Để phòng ngừa bệnh phình mạch máu não, bạn nên chăm sóc sức khỏe thật tốt, để làm hạn chế các yếu tố nguy cơ như: ăn uống chế độ khoa học, lành mạnh, hạn chế đồ uống có cồn, không hút thuốc lá. Tập thể dục thường xuyên với cường độ phù hợp với thể trạng, tránh stress kéo dài.
Vỡ túi phình mạch máu não sẽ để lại các biến chứng nghiêm trọng, đe dọa đến cuộc sống và tính mạng của người bệnh. Do đó, cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Nếu bản thân hoặc người nhà xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ, hãy đến bệnh viện ngay lập tức. Điều trị chảy máu dưới nhện do vỡ phình mạch não và theo dõi nên được thực hiện bởi các Trung tâm chăm sóc đặc biệt về thần kinh - hồi sức.