Theo kinh nghiệm của các làng biển, ngày 17 hoặc 19 âm lịch hàng tháng là ngày mở biển của ngư dân. Do đó, cuối tuần vừa qua, đồng loạt các tàu cá của ngư dân miền Trung đã bắt đầu một chuyến biển mới. Ở lần mở biển này, giống như truyền thống lâu nay, ngư dân tại Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, tiếp tục gắn kết với nhau theo các tổ, đội sản xuất trên biển. Cùng trong một làng biển, cùng trong một dòng họ, các tàu cá gắn kết với nhau theo từng tổ gồm 5-10 tàu cá, hỗ trợ nhau trong việc tìm luồng cá và hỗ trợ nhau ứng phó với những rủi ro trên biển. Chuyến đi biển mới này như một tiếng nói của ngư dân với đồng bào cả nước khẳng định chủ quyền biển, đảo của nước ta.
![]() Nguồn: brt.com.vn |
Do chất lượng sản phẩm sau thu hoạch thường bị giảm sút, nên hiện hải sản đánh bắt được chủ yếu đáp ứng nhu cầu trong nước và sử dụng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm đóng hộp xuất khẩu. Còn nhớ, lãnh đạo tỉnh Bình Định từng mang 4 con cá ngừ tốt nhất sang chào bán tại thị trường Nhật Bản để làm các món ăn đòi hỏi khắt khe về chất lượng thịt cá và là nơi có giá thu mua nguyên liệu cao. Tuy nhiên, 3 con cá bị loại, con còn lại chỉ khai thác được 50% lượng thịt. Chất lượng sản phẩm sau thu hoạch thấp, khiến giá thu mua hải sản còn thấp. Chưa kể, việc đánh bắt các loại hải sản thường theo mùa, nên ngư dân rất dễ rơi vào cảnh bị thương lái ép giá khi vào chính vụ.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần quan tâm xây dựng các chính sách để phát triển hiệu quả đội tàu đánh bắt xa bờ; có chính sách hỗ trợ để ngư dân có thêm kinh phí cho mua sắm tàu công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, đủ sức chống chọi với thiên tai, địch họa thay vì phải chấp nhận mọi rủi ro trong quá trình đánh bắt như hiện nay. Hơn nữa, khi tiềm lực được củng cố, ngư dân có khả năng bám biển dài ngày hơn, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh hải quốc gia.
Cụ thể, phải tổ chức các mô hình khai thác gắn với dịch vụ trên biển; hỗ trợ ngư dân thành lập tàu cung ứng dịch vụ hậu cần, thu mua sản phẩm ngay trên biển cho các tàu khai thác xa bờ, khai thác viễn dương. Bên cạnh đó, tăng mức đầu tư ngân sách Nhà nước vào các lĩnh vực, đặc biệt là xây dựng hạ tầng nghề cá, đào tạo nghề, xây dựng hệ thống thông tin liên lạc, điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường, dịch vụ hậu cần trên biển đảo; hỗ trợ về lãi suất để khuyến khích tổ chức, cá nhân phát triển khai thác thủy sản xa bờ...
Ngoài ra, ngư dân là lực lượng hàng ngày bám biển sản xuất (với khoảng 10.000 tàu thuyền) nên cần được trang bị tiềm lực đủ mạnh để tự bảo vệ chính mình, góp phần bảo đảm an ninh, chủ quyền vùng biển tổ quốc. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết cần tập trung xây dựng tuyến ven biển gắn với một số tuyến đảo chính thành những điểm kinh tế mạnh, có căn cứ hậu cần kỹ thuật vững chắc cho các hoạt động biển xa. Tiến hành xây dựng mô hình thí điểm các khu quốc phòng - kinh tế, kinh tế - quốc phòng tại một số khu vực biển - đảo... tạo nên một thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân trên biển.