- Xin ông cho biết huyện đã phát huy và khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương như thế nào nhằm tạo được những kết quả nổi bật trong việc phát triển kinh tế - xã hội năm vừa qua?
Huyện Điện Biên có tổng diện tích tự nhiên là 163.972ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 21.210,54ha; đất lâm nghiệp 121.541,6ha. Với 70% dân số sống ở nông thôn và nông, lâm nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, vì vậy việc thúc đẩy phát triển nông, lâm nghiệp theo chuỗi liên kết bố trí 3 tầng canh tác: Rừng - cây công nghiệp - cây ăn quả; lúa - rau màu - cây công nghiệp ngắn ngày là mục tiêu quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển bền vững và đa dạng của huyện Điện Biên.
Bên cạnh đó huyện còn có lợi thế lớn để phát triển du lịch với nhiều loại hình đa dạng: Du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái. Đặc biệt với cụm di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là điều kiện thuận lợi để Điện Biên khai thác, phát triển du lịch. Các vùng sinh thái tự nhiên: Hồ Pa Khoang, rừng Mường Phăng, động Pa Thơm, bản Sáng… Thành Bản Phủ, đền thờ Hoàng Công Chất… là những tiềm năng quý để khai thác và phát triển dịch vụ du lịch.
Một lợi thế nữa là huyện giáp biên giới với Lào, các Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang - Xốp Hùn, Huổi Puốc - Na Son đã được đầu tư xây dựng một số hạng mục là điều kiện thuận lợi tìm kiếm các nhà đầu tư kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu với Lào.
- Tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính trong thời gian qua trên địa bàn huyện Điện Biên, thưa ông?
- Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Cụ thể, huyện thường xuyên chú trọng việc đổi mới và nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Công tác cải cách thủ tục hành chính được chỉ đạo triển khai đạt hiệu quả, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Cơ chế một cửa hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu giải quyết hồ sơ cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp đến giao dịch.
Thời gian tới huyện tiếp tục nâng cấp trang thông tin điện tử của huyện, giải quyết một số dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3. Đồng thời tiếp tục công khai, minh bạch các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh để các tổ chức, cá nhân dễ tiếp cận. Thực hiện tốt việc tuyên truyền các cơ chế, chính sách, môi trường thu hút đầu tư trên địa bàn huyện.
- Huyện có những giải pháp gì để khắc phục khó khăn trong việc thực hiện các công trình xây dựng cơ bản, thưa ông?
- Việc xây dựng kết cấu hạ tầng được ưu tiên gắn với nhiệm vụ xây dựng NTM, các công trình, dự án được triển khai bảo đảm trình tự, thủ tục, bảo đảm chất lượng, tiến độ và phát huy giá trị sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các công trình xây dựng cơ bản còn gặp nhiều khó khăn, bất cập như hệ thống giao thông còn thiếu, xấu, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, vốn đầu tư cho phát triển còn hạn chế… đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ bản, hiện vẫn còn 1 xã chưa có đường giao thông tới trung tâm xã.
Trong giai đoạn tới huyện sẽ tập trung rà soát, hoàn chỉnh Quy hoạch trung tâm huyện ly, quy hoạch NTM và một số quy hoạch chi tiết. Đồng thời, đầu tư có trọng điểm, tạo bước đột phá trong đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng trên địa bàn huyện theo hướng đồng bộ và hiện đại.
- Ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện?
- Trên địa bàn huyện Điện Biên đang triển khai đề án phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có quy hoạch sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có thế mạnh là cây lúa, tập trung tại 12 xã vùng lòng chảo; xã Thanh Yên đang triển khai dự án cánh đồng mẫu lớn, đã được UBND tỉnh phê duyệt; sản xuất lúa chất lượng cao (giống Bắc thơm số 7 có thương hiệu và có chỉ dẫn địa lý). Quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đang triển khai thực hiện theo Quy hoạch chung của các xã đã được phê duyệt; huyện đã triển khai tới các xã về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2017 - 2020 theo Bộ tiêu chí mới và gắn với xây dựng NTM nâng cao, hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu.
Năm 2018, huyện đã tăng thêm được 163 tiêu chí so với năm 2015. Số tiêu chí đạt bình quân 13,52 tiêu chí/xã, tổng số xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn lên 13 xã, đạt 52%. Ở huyện Điện Biên không có xã dưới 5 tiêu chí NTM. Các nguồn vốn hỗ trợ Chương trình NTM của Trung ương, tỉnh phân bổ về huyện đã được sử dụng hiệu quả, đúng đối tượng không gây nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.
- Xin cảm ơn ông!