Phật giáo Việt Nam với dân tộc như bóng với hình
Phật giáo ra đời vào khoảng cuối thế kỷ VI - TCN ở Ấn Độ, và có mặt trên lãnh thổ nước ta trên dưới hai ngàn năm. Học thuyết Phật giáo cho rằng: thế giới không do “Thượng đế” tạo ra, không có lực lượng siêu nhiên nào chi phối đời sống của con người. Vạn vật vô thường, luôn luôn trong trạng thái biến đổi không ngừng, chẳng có gì là tuyệt đối, vĩnh cửu hay tận cùng. Đạo Phật đề cao đức từ bi, dạy con người hướng thiện; mỗi người có thể tự thay đổi cuộc đời mình, hun đúc tri thức để xây dựng cuộc sống tốt đẹp, tự mình thắp lên ngọn đèn trí tuệ cho chính mình, tự tu tâm tính, tự tạo nghiệp qua hành vi, lời nói và tư tưởng theo thuyết “Nhân quả - nghiệp báo”, hành động ác gặp quả báo ác, hành động tốt gặp quả báo tốt.
Đó là những tư tưởng tiến bộ, nhân văn, mang đậm tính triết học biện chứng, nhờ đó mà Phật giáo có sức sống mãnh liệt trong thế giới cổ đại đến hiện đại và tồn tại, phát triển trong lòng dân tộc ta đến ngày nay.
Từ thời phong kiến đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, Phật giáo Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, góp công lao to lớn vào công cuộc chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc.Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, dân ta đã đánh đổ xiềng xích thực dân gần 100 năm. Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 6 nhiệm vụ cấp bách. Trong đó, tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Tiếp đó, ngày 15.3.1946, Hồ Chủ tịch ký quyết định thành lập Việt Nam Phật giáo Hội, trụ sở tại 73 phố Quán Sứ, Hà Nội.Trong một dịp tới thăm chùa Quán Sứ, gặp các vị cao tăng, Người khẳng định: “Nhà nước chúng tôi luôn luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng. Phật giáo Việt Nam với dân tộc như bóng với hình, tuy hai mà một. Tôi mong các Hòa thượng, tăng, ni và Phật tử, hãy tích cực thực hiện tinh thần từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước…”.
Dịp Lễ Vu lan năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù bộn bề việc nước cũng đã dành thời gian viết thư gửi Hội Phật tử Việt Nam: “Nhân ngày lễ Phật rằm tháng Bảy, tôi kính cẩn cầu nguyện Đức Phật bảo hộ Tổ quốc và đồng bào ta, và tôi gửi lời thân ái chào các vị trong Hội Phật tử. Từ ngày nước ta trở nên Dân chủ Cộng hòa, Hiến pháp ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách thuận tiện. Thế là: Nước có độc lập, thì đạo Phật mới dễ mở mang”.
“Trong cuộc kháng chiến cứu nước, đồng bào Phật giáo đã làm được nhiều. Tôi cảm ơn đồng bào, và mong đồng bào cố gắng thêm, cố gắng mãi, cho đến ngày trường kỳ kháng chiến thắng lợi, thống nhất độc lập thành công”.
Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất năm 1975, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập để thống nhất ý chí và hành động, hộ trì hoằng dương Phật pháp và tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, với phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, góp phần xây dựng hòa bình, an lạc cho đất nước và thế giới. Trong quá trình hoạt động, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, là điểm tựa vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Chống luận điệu công kích Phật giáo, chia rẽ đoàn kết dân tộc
Với âm mưu đen tối, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách lợi dụng vấn đề tôn giáo để gây mất ổn định chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Chúng khai thác, tấn công vào các yếu huyệt của Phật giáo và các tôn giáo khác nhằm lung lạc tín ngưỡng, gây mâu thuẫn trong nội bộ giáo dân, nhân dân.
Nổi lên thời gian qua là việc lợi dụng hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú - “Thích Minh Tuệ" và việc một số ít nhà sư, vị trụ trì (trong số hơn 5,4 vạn tăng ni) ở một số Chùa có những hành động sai đường hướng Phật pháp, phát ngôn thiếu chuẩn mực hoặc tổ chức hình thức lễ lược không đúng với Chánh pháp, không trung thực trong việc sử dụng bằng cấp, học thuật giả mạo... để kích động, “vơ đũa cả nắm”, “mượn gió bẻ măng”, công kích các tăng, ni, phật tử, chùa chiền; miệt thị, xúc phạm Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, thậm chí bất kính, bôi nhọ cả Đức Phật... Chúng tạo dư luận xấu cho rằng: tăng, ni vận động xây chùa to, Phật lớn để kinh doanh, trục lợi, truyền bá mê tín; tăng, ni phải tu như thế này, như thế kia mới chân chính; chê bai tín đồ mù quáng, chư tăng lợi dụng để no cơm ấm áo...
Những luận điệu trên nhìn bề ngoài có vẻ hợp lý với hiện tượng không phổ biến, nhưng hoàn toàn là những quan điểm, tư tưởng hết sức cực đoan, phiến diện, phủ định sạch trơn các giá trị văn hóa, đạo đức của Phật giáo; là âm mưu thâm độc nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ lương giáo, phá vỡ mối quan hệ biện chứng giữa vật chất với tinh thần, triết thuyết với tín ngưỡng, lý trí với tình cảm, tâm linh vốn tồn tại trong đời sống xã hội như một tất yếu khách quan.
Dư luận cử tri, nhân dân, nhất là tăng, ni, phật tử chân chính bày tỏ sự cầu thị với những ý kiến góp ý, phê phán sai trái, tiêu cực, giúp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam vững vàng đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”; nhưng rất không đồng tình với các hành động, lời nói có chủ ý xấu, gây chia rẽ đạo giáo, đi quá giới hạn quyền con người, quyền tín ngưỡng, tôn giáo đã được Hiến pháp và pháp luật quy định.
Mặt khác, cử tri cũng mong rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cơ quan chức năng nghiêm khắc với những cá nhân tu sĩ vi phạm giới luật và chính sách, pháp luật, không để ảnh hưởng đến tăng, ni tu hành chánh pháp và uy tín tổ chức Giáo hội.
Sách trắng "Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam" năm 2023 nêu rõ, ở Việt Nam có 26,5 triệu tín đồ tôn giáo thuộc 16 tôn giáo khác nhau cùng chung sống hài hòa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, không có sự phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo; không có mâu thuẫn, xung đột giữa các tôn giáo. Trong đó, Phật giáo chiếm số lượng nhiều nhất với trên 14 triệu tín đồ và 18.544 cơ sở thờ tự.
Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định nhất quán chính sách tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; bảo đảm, bảo vệ bằng pháp luật quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, coi đó là điều kiện tiên quyết, là nguyên tắc cơ bản để xây dựng vững bền khối đại đoàn kết chung của dân tộc.