Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu thuộc các tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Lê Kim Thành cho biết, 9 tháng năm 2024, toàn quốc xảy ra 17.836 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.114 người, bị thương 13.385 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.506 vụ, giảm 829 người chết, tăng 2.413 người bị thương.
Tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người, gây thiệt hại lớn về tài sản, bức xúc trong dư luận xã hội. Điều đó cho thấy, tính bền vững trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam thời gian tới vẫn là một thách thức lớn đối với các cấp, ngành, đòi hỏi nỗ lực hơn nữa của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện các giải pháp cấp bách, lâu dài về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông của người có độ tuổi thanh, thiếu niên vẫn còn phổ biến...
Ông Lê Kim Thành nhấn mạnh, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã xác định việc ngăn chặn thương vong do tai nạn giao thông đối với thanh, thiếu niên là một trong những mục tiêu phát triển của đất nước. Vì vậy, học sinh, sinh viên cần tích cực học tập, tìm hiểu, thực hành để nắm vững, tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn giao thông, trang bị những kiến thức, kỹ năng và các giá trị văn hóa giao thông an toàn làm hành trang cùng các em đi đến tương lai.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị, học sinh, sinh viên luôn đội mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn chất lượng khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Đồng thời, các em chấp hành quy tắc giao thông khi đi bộ, đi xe đạp hay xe đạp điện; không lái ô tô, xe máy khi chưa có Giấy phép lái xe; lựa chọn xe buýt công cộng, tàu điện trên cao để đi học, đi chơi; chủ động xây dựng và thực hiện văn hóa giao thông, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên Trần Văn Đạt, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ các em trước hiểm họa tai nạn.
“Học sinh, sinh viên vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông do một số em có ý thức và kỹ năng khi tham gia giao thông hạn chế, vi phạm pháp luật an toàn giao thông như: Không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện, chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, uống rượu bia khi tham gia giao thông…” - ông Đạt nói.
Để làm tốt hơn nữa công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị, các Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường tập trung thực hiện công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên năm học 2024 - 2025.
Trong đó, tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về an toàn giao thông theo hướng tăng tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên, lồng ghép với các phong trào, hoạt động của nhà trường một cách phù hợp, hiệu quả. Ngành Giáo dục và các cơ quan liên quan, đặc biệt là cơ quan Công an phối hợp chặt chẽ để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và tạo tác động từ nhiều phía đối với công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên.
Tại lễ phát động, đại diện học sinh, sinh viên, em Nguyễn Lê Song Phúc, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định quyết tâm thực hiện tốt ý thức tham gia giao thông, tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông, ý nghĩa trong tháng hành động An toàn giao thông năm 2024 bằng những hành động thiết thực, cụ thể, đó là:
Tiếp tục xử không ngừng học tập và rèn luyện để nâng cao hiểu biết về thực trạng, nguyên nhân, tác hại của tai nạn giao thông; nâng cao nhận thức về luật giao thông, văn hóa giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn.
Quyết tâm nâng cao hơn nữa ý thức tự giác và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, thực hiện thể hiện là người có văn hóa giao thông, giữ gìn an toàn cho chính mình và cho mọi người. Tham gia giao thông có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, biết tôn trọng nhường nhịn, biết chia sẻ và giúp đỡ người khác. Không cổ vũ và tham gia các hành vi làm mất trật tự an toàn giao thông.
Tích cực tham gia vào các hoạt động của các đội thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện, giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Xung kích, tình nguyện tham gia tuyên truyền về an toàn giao thông, cuộc vận động thực hiện văn hóa giao thông. Chấp hành và thực hiện nghiêm các tiêu chí văn hóa giao thông của Trường, lớp, chi đoàn.
Tích cực vận động gia đình, người thân, bạn bè và mọi người thực hiện tốt Luật giao thông để mỗi một cán bộ, đoàn viên, thanh niên, học sinh là một tuyên truyền viên tích cực trong cuộc vận động Thanh niên với văn hóa giao thông. Biểu dương, ủng hộ gương người tốt việc tốt, chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông; phê phán, lên án những hành vi phạm luật giao thông.
Với việc tích cực mở rộng quy mô và chất lượng đào tạo về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT, Ủy ban ATGT Quốc Gia, Honda Việt Nam đã không ngừng nỗ lực triển khai các hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật về an toàn giao thông và hướng dẫn kỹ năng lái xe mô tô, xe gắn máy an toàn cho học sinh, sinh viên, mong muốn góp phần đem đến cho các thế hệ tương lai của đất nước những kiến thức và kỹ năng thiết thực góp phần hình thành thói quen, hành vi và kỹ năng tham gia giao thông an toàn, góp phần xây dựng nên một xã hội giao thông văn minh tại Việt Nam.