Hệ thống chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện
Trình bày tóm tắt kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới nêu rõ, Đoàn giám sát thấy rằng, nhìn chung, trong những năm qua hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông ngày càng hoàn thiện nhất là lĩnh vực giao thông đường bộ. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ bản đầy đủ, kịp thời.
Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tiếp tục nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; công tác kiểm tra đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật gắn với công tác thi đua khen thưởng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật an toàn giao thông đã cơ bản được triển khai thực hiện tốt; hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng được chú trọng đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp... Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, tai nạn giao thông được kiềm chế, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.
Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần tích cực nâng cao hiệu quả về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phục vụ có hiệu quả cho việc hoàn chỉnh các chính sách về đường bộ, về trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng chỉ rõ, một số quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông ban hành còn chậm so với thời hạn quy định, tính ổn định chưa cao. Việc áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông ở một số loại hình, địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của một số bộ, ngành, địa phương hiệu quả còn thấp, chưa phân định rõ trách nhiệm, chưa chủ động phát hiện và xử lý nghiêm khắc các tập thể, cá nhân vi phạm để răn đe, phòng ngừa sai phạm.
Kiến nghị cụ thể, rõ ràng, không viết chung chung
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu dương và đánh giá cao cơ quan được phân công chủ trì đã chủ động tích cực phối hợp với Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan giúp Đoàn giám sát tổ chức hoạt động đúng tiến trình và tiến độ theo kế hoạch đã đề ra. Đoàn giám sát đã bám sát chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời có những hoạt động khảo sát thực tế tại các bộ, ngành địa phương trên cả nước.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, chuyên đề này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn để giám sát trong năm 2024 là rất đúng và trúng theo yêu cầu đặt ra hiện nay là bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhìn từ giai đoạn 2009 - 2023 đã qua để triển khai thực hiện chính sách pháp luật có liên quan cho giai đoạn tiếp theo; đề nghị nhấn mạnh và làm sâu sắc thêm nội dung về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong Báo cáo kết quả giám sát và Nghị quyết giám sát.
Bên cạnh đó, trong Báo cáo kết quả giám sát đã nêu “công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cơ bản được triển khai thực hiện tốt”. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ, đánh giá kỹ lưỡng hơn công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông.
“Số vụ tai nạn giao thông tuy đã giảm trong một vài năm trở lại đây, còn ý thức chấp hành luật pháp về giao thông của người dân thì như thế nào? Kỷ cương pháp luật có thực hiện nghiêm hay không? Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, quyết tâm hay chưa? Ý thức trong nội bộ và người dân xung quanh việc chấp hành trật tự an toàn giao thông cũng cần được đánh giá kỹ lưỡng, sâu sát hơn nữa”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Nhấn mạnh quan trọng cuối cùng là sau giám sát ban hành một Nghị quyết về chuyên đề giám sát, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong Báo cáo đánh giá như thế nào thì Nghị quyết phải thể hiện được nội dung đó một cách đồng bộ. Cùng đó, các kiến nghị, giải pháp cũng rất quan trọng, do đó phải cụ thể, rõ ràng, không viết chung chung.
Quan trọng nhất là công tác thông tin tuyên truyền trong thời gian tới, nêu rõ yêu cầu này, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, các cơ quan báo chí của Quốc hội nói riêng, các cơ quan báo chí nói chung thông qua chuyên đề giám sát tiếp tục tuyên truyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó nhấn mạnh an toàn giao thông đường bộ, nhất là tuyên truyền về Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ mới ban hành.
Nhất trí với đánh giá kết quả đạt được trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, những kết quả đó đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua.
Về những hạn chế, bất cập, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị, ngoài những đánh giá đã nêu trong Báo cáo kết quả giám sát cũng cần thẳng thắn nhìn nhận và trả lời được câu hỏi trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian qua có những tiêu cực gì? “Thành tích đánh giá cao nhưng tiêu cực thì chúng ta cũng phải đề cập. Lần giám sát này cần đánh giá sâu sắc để khắc phục”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện Báo cáo giám sát để bảo đảm thống nhất cả về bố cục và nội dung trên từng lĩnh vực; rà soát số liệu đầy đủ, chính xác, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan. Các giải pháp, kiến nghị, đề xuất phải cụ thể, bám sát thực tiễn, gắn trách nhiệm của từng chủ thể theo quy định của pháp luật, bảo đảm tính khả thi. Đồng thời, khẳng định những ưu điểm, thành tựu nổi bật có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội; bổ sung đánh giá ưu điểm nổi bật về quy hoạch, về chủ trương đầu tư hạ tầng…