Theo ông Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, cuộc thi là cơ hội để lan toả những tình cảm tốt đẹp của học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh đối với các thầy giáo, cô giáo và các nhà trường, góp phần nâng cao tính giáo dục, khơi gợi niềm tự hào của mỗi học sinh, sinh viên với trường, lớp và thầy cô.
Cuộc thi cũng nhằm tôn vinh những tấm gương thầy giáo, cô giáo có việc làm, thành tích tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục và những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy học, từ đó động viên, khuyến khích các thầy cô giáo vượt qua khó khăn, tiếp tục có những cống hiến cho ngành giáo dục và xã hội.
“Cuộc thi viết này không chỉ là một sân chơi văn học, mà còn là một hành trình đầy ý nghĩa để khơi dậy những cảm xúc chân thật nhất trong lòng mỗi chúng ta. Qua từng câu chữ, từng lời văn, chúng ta sẽ thấy hiện lên những hình ảnh đẹp đẽ về thầy cô, về những tháng năm rực rỡ tuổi học trò”, nhà báo Triệu Ngọc Lâm bày tỏ.
Đối tượng tham gia cuộc thi là công dân Việt Nam có tác phẩm viết về những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường. Đó là những ấn tượng sâu sắc về thầy cô giáo mà tác giả yêu quý, ngưỡng mộ hoặc những tác động, ảnh hưởng đặc biệt của thầy cô giáo tới việc học tập, nhận thức, làm thay đổi cuộc sống của cá nhân tác giả (hoặc bạn bè, người thân tác giả); những tình huống sư phạm tiêu biểu, điển hình và cách giải quyết các tình huống ấy của thầy cô giáo mà tác giả đã từng gặp hoặc trải qua, thể hiện năng lực nghề nghiệp, khả năng sáng tạo cũng như tình cảm của thầy cô giáo đối với học sinh, đối với nghề; những kỷ niệm, những ấn tượng, tình cảm gắn bó sâu sắc đối với ngôi trường mà tác giả hoặc bạn bè, người thân của tác giả đã và đang theo học.
Các tác phẩm dự thi viết bằng tiếng Việt, thể hiện dưới hình thức văn xuôi, mỗi tác phẩm tối thiểu 500 từ (hình ảnh, video minh họa kèm theo nếu có). Các tác phẩm dự thi có thể viết tay hoặc đánh máy, trình bày rõ ràng trên một mặt giấy khổ A4, cỡ chữ 14, font chữ Times New Roman.
Thông tin về tác giả và tác phẩm dự thi ghi rõ trên trang đầu tiên của tác phẩm dự thi. Các thông tin bắt buộc, bao gồm: họ và tên, nơi công tác, địa chỉ liên hệ, số điện thoại; thông tin về nhân vật trong tác phẩm.
Các tác phẩm dự thi chưa đăng tải trên sách báo, chưa công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào, chưa được đưa lên các websites, blogs, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter… của các tổ chức, cá nhân; chưa gửi dự thi bất kỳ cuộc thi nào khác. Các tác phẩm dự thi không được in vào tập sách riêng của tác giả và các tuyển tập chung cho đến khi kết thúc cuộc thi. Tác giả dự thi phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về tính chân thực, chính xác về nhân vật và nội dung bài dự thi của mình.
Ông Phạm Quỳnh - Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, đại diện ban giám khảo cho biết, từ năm 2018 - lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức đến nay, đã tạo hiệu ứng tích cực trong các nhà trường và cả nước.
Cuộc thi thu hút nhiều người tham gia, với số lượng bài thi năm sau cao hơn năm trước. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy truyền thống tôn sư trọng đạo ngày được khắc sâu.
Tuy nhiên, với ban giám khảo, đây là nhiệm vụ khó khăn bởi trong thời gian rất ngắn kể từ khi phát động, có hàng chục nghìn bài thi dưới các hình thức như viết tay, đánh máy, chữ nổi,... đã gửi đến ban giám khảo.
"Mỗi bài thi là kỷ niệm sâu sắc của tác giả. Ban giám khảo đã đặt mình vào hoàn cảnh của tác giả để hiểu, cảm nhận đúng tình cảm của người viết dành cho thầy cô. Điều này không dễ dàng. Áp lực của ban giám khảo là lựa chọn ra bài thi xứng đáng nhất. Có những năm chất lượng bài đồng đều, sự khác biệt không nhiều, nên ban giám khảo phải "cân não", nhìn nhận nhiều khía cạnh khác nhau của tác phẩm. Tất cả khó khăn, áp lực mang lại ch ban giám khảo niềm tự hào, được khám phá kỷ niệm đẹp của thí sinh gửi gắm qua bài thi", ông Phạm Quỳnh chia sẻ.
Cũng theo ông Quỳnh, viết về kỷ niệm là cách kết nối với quá khứ, suy tư về tương lai. Cuộc thi là sự kết nối tình cảm giữa nhà trường - học sinh ngày càng bền chặt, củng cố quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Đồng thời, khiến truyền thống "tôn sư trọng đạo" tiếp tục được phát huy. Đây cũng là dịp để nhắc nhở các học sinh bài học về sự biết ơn.
Phát biểu hưởng ứng cuộc thi, em Đỗ Tôn Sa - lớp 12A2 Trường THPT Việt Đức, cho biết vô cùng vinh dự và xúc động nói: "Đây là một cơ hội vô cùng đặc biệt và quý giá để chúng em có thể bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đến những người thầy, người cô – những người lái đò đã dành trọn tâm huyết, tình yêu thương và sự bao dung để dìu dắt chúng em trên con đường học tập và trưởng thành...".
"Với thông điệp vô cùng ý nghĩa, cuộc thi đã, đang, và sẽ giúp rất nhiều học sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc như em có được cơ hội thể hiện sự tri ân của mình đến những “người lái đò” đã vun vén nên những “mầm xanh tương lai...”, Đỗ Tôn Sa chia sẻ.
Ban tổ chức sẽ trao 2 giải tập thể, hai giải Nhất, 4 giải Nhì, 6 giải Ba, 10 giải Khuyến khích, 2 hai giải dành cho nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải. Giải thưởng phụ do ban tổ chức xem xét, quyết định, tuỳ tình hình thực tế của mỗi năm tổ chức. Giá trị tiền cho giải Nhất là 10 triệu đồng kèm bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, giá trị giải thấp nhất là 2 triệu đồng. Tác phẩm dự thi gửi về địa chỉ email cuocthi.gdtd@gmail.com. Thời hạn nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 31.10. Lễ tổng kết và trao giải dự kiến được tổ chức vào tháng 12.