Đây là đề xuất đáng chú ý được nêu ra tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 9.3.
Đất trồng lúa là không thể xâm phạm
Nhắc lại kỷ niệm từ tháng 7.2017, trong một hội nghị có Thủ tướng tham dự, khi đó đại diện cho các doanh nghiệp nông nghiệp tư nhân đề xuất phải sửa đổi ngay Luật Đất đai bởi nhiều quy định không phù hợp dù mới ban hành được 4 năm, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) bày tỏ “rất hạnh phúc” khi Luật Đất đai được sửa đổi. Vì thế, vị doanh nhân này đặt rất nhiều kỳ vọng và dành sự quan tâm đặc biệt vào việc sửa đổi Luật lần này.
Theo ông Báo, vấn đề quan trọng trước tiên khi sửa đổi Luật Đất đai là “phải giữ được đất trồng cây lương thực”. “Tôi từng sang Nhật Bản nghiên cứu về nông nghiệp. Các bạn Nhật có nói với tôi rằng hãy học kinh nghiệm của Nhật cần nhớ 2 điều: Một là phải giữ được đất trồng cây lương thực; hai là phải giữ được rừng”, ông Báo cho biết.
Sở dĩ phải giữ được đất trồng cây lương thực, theo vị doanh nhân này, là bởi dân số của Việt Nam sẽ lên trên 125 triệu dân vào năm 2050. Trong khi đó, đất trồng lúa đang mất dần.
Đơn cử, tỉnh Thái Bình từng lấn biển từ những năm 1960, mở rộng được chừng 200ha trồng lúa. Đầu những năm 2000, công ty của ông Báo mang giống lúa đến gieo cấy nhưng sau đó người dân lại đổ nước mặn vào làm nơi nuôi thủy sản. Nhiều nơi bờ xôi ruộng mật khác cũng dần được thay thế bởi đường sá, nhà máy, khu công nghiệp…
Từ thực tế đó, vị doanh nhân này nhấn mạnh, Luật Đất đai phải chốt được diện tích trồng lúa cụ thể, chẳng hạn là 3,2 hay 3,5 triệu ha và không được thay đổi, xâm phạm vì dân số tiếp tục tăng, cần bảo đảm vấn đề lương thực.
Ý kiến trên nhận được sự ủng hộ của ông Nguyễn Văn Tiến, nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương. Theo ông Tiến, việc thực hiện các quy hoạch nông nghiệp hiện còn hạn chế. Đó chính là nguyên nhân khiến nhiều bờ xôi ruộng mật bị mất đi. Do đó, Luật Đất đai sửa đổi cần quy định rõ quy hoạch để bảo vệ đất trồng lúa. "Như ở Trung Quốc, họ vẽ sẵn đường chỉ đỏ trong đất nông nghiệp, vùng đó chỉ làm nông nghiệp mà không thể chuyển đổi".
Phải kiểm soát việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là đất cho khoa học công nghệ. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, các viện, trường trực thuộc Bộ đang quản lý khoảng 24.000 ha đất. Bộ đã nhiều lần báo cáo Thủ tướng, đề nghị có cơ chế riêng cho ngành nông nghiệp về sử dụng đất cho các tổ chức khoa học công nghệ. Vì thế, việc sửa đổi Luật lần này cần có cơ chế rõ ràng để các tổ chức trực thuộc Bộ có thể đưa vào khai thác, sử dụng quỹ đất này tốt hơn, thông qua việc liên doanh, liên kết.
TS. Đào Thế Anh, Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho biết, Viện có quỹ đất công rất lớn, tính trung bình 1ha/cán bộ. Tuy nhiên, đất đó không được liên doanh liên kết, không sử dụng hết và bị người dân lấn chiếm “rất lãng phí”.
Trước đây, các đơn vị nghiên cứu công lập được Nhà nước giao đất mà không được thuê. Nay, chủ trương các đơn vị này thưc hiện tự chủ một phần hoặc hoàn toàn, nhưng đất là công cụ lớn nhất lại không được liên doanh liên kết sẽ “bó chân” các đơn vị. Đó cũng là lý do khiến nhiều đơn vị tự chủ một phần đang rất khó khăn để tự chủ hoàn toàn.
Dự thảo Luật mới quy định đơn vị nào tự chủ hoàn toàn mới được chuyển từ chế độ giao đất sang thuê đất. Như vậy, quy định này sẽ không áp dụng với đơn vị như Viện Khoa học nông nghiệp. Do đó, ông Thế Anh đề xuất, dự thảo nên bổ sung các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và chi đầu tư cũng được quyền thuê đất. Như thế mới có cơ sở để các đơn vị này hợp tác về kinh tế, tiến tới tự chủ hoàn toàn. “Nếu xóa bỏ hẳn công cụ về đất thì lấy gì để tự chủ hoàn toàn?”, ông Thế Anh đặt vấn đề.
Ông Trần Mạnh Báo bổ sung, quy định về đất cho khoa học công nghệ trong nông nghiệp cần rõ cho cả viện nghiên cứu của khu vực tư nhân. “Chúng tôi cũng có 150ha để nghiên cứu, sản phẩm là giống chủ lực của miền Bắc. Vậy chúng tôi có được hưởng chính sách như với viện của Nhà nước không? Luật cần phải làm rõ nội dung này”, ông Báo đề nghị.
Bên cạnh đó, theo đại diện doanh nghiệp, Luật cần bảo đảm thời hạn thuê đất đối với doanh nghiệp không thể ấn định theo ý chí chủ quan của cơ quan quản lý như hiện nay, khi có diện tích đất chỉ 5 năm, có diện tích lại 10 năm. Hết hạn, doanh nghiệp phải đến cơ quan quản lý nhà nước xin gia hạn sẽ gây khó khăn, phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Mặt khác, dự thảo Luật cũng cần có quy định rõ đối với loại đất dành cho chế biến nông sản. Bởi lẽ, nếu làm công nghiệp, doanh nghiệp có thể thuê đất trong khu công nghiệp. Nhưng nếu chế biến nông sản thịt, cá, gạo thì không thể làm trong khu công nghiệp, bên cạnh nơi sản xuất ắc quy, xi măng hay sắt thép, ông Báo nhấn mạnh.
Ngoài ra, các đại biểu cho ý kiến về việc sử dụng công trình trên đất lúa, hạn mức sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Các ý kiến đề xuất, việc phân quyền cho địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần có định chế kiểm soát bởi thực tế một số địa phương có tâm lý chạy theo nhà đầu tư. Nếu không có định chế kiểm soát việc chuyển đổi này, nguy cơ chúng ta sẽ phát triển công nghiệp nhưng phải đi nhập khẩu lúa, trong khi nông nghiệp được xác định là lợi thế, trụ đỡ của nền kinh tế…
Phát biểu tổng kết hội nghị, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Nam ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tại Hội nghị. Trên cơ sở đó, Vụ Pháp chế sẽ đề xuất với Lãnh đạo Bộ các vấn đề lớn, những nguyên tắc để góp ý chung cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, với mục tiêu xây dựng bản góp ý hoàn chỉnh nhất để báo cáo Chính phủ.
43 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi báo cáo góp ý về Bộ
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP về lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quán triệt toàn thể các đơn vị trực thuộc; phổ biến, quán triệt tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động về dự thảo Luật; đồng thời gửi công văn lấy ý kiến 136 đơn vị, nhà khoa học, tổ chức xã hội thuộc Bộ.
Đến nay, Bộ đã nhận được 70 góp ý bằng văn bản của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, trong đó có 43 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các ý kiến tập trung góp ý cho 12/16 chương, mang tính toàn diện đối với Luật Đất đai, không chỉ riêng lĩnh vực của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với các đơn vị chưa gửi ý kiến về Bộ, Bộ sẽ đôn đốc thực hiện trong thời gian tới.