Cây rừng tại khu vực biên giới Chư Prông có nguy cơ bị xóa sổ?
Ghi nhận của PV Báo Đại biểu Nhân dân, khu vực huyện Chư Prông tại các xã Ia Ga, Ia Lâu, Ia Piơr và Ia Mơ, Ia Puch, Ia Boòng đang có nhiều điểm thu mua củi vườn, đặt máy băm với công suất lớn. Các hoạt động mua bán cây gỗ diễn ra công khai như đã được các cơ quan chức năng cấp phép.
Ghi nhận tại một số điểm trong khu vực nói trên, ngoài lượng cây gỗ được cưa chặt
từ các loại cây già cỗi, thay đổi giống cây trồng khác bị chủ vườn phá bỏ như: cây điều, xà cừ, bạch đàn… thì tại nhiều điểm trong khu vực nhà dân có rất nhiều cây gỗ khác giống các loại cây rừng tự nhiên: cây dầu, cà chít, cầy… nhiều nhất là cây gỗ dầu có đường kính 10-30cm được chất thành đống và phủ bạt chờ xe chở đưa đi
băm thành củi vụn.
Giá cây các loại được thương lái vào mua tại làng với giá cao từ 300 đến 400 ngàn đồng/ tấn, khối lượng không hạn chế. Từ thực tế trên, nhiều thanh niên tại làng Ring tìm cách len lõi vào khu vực rừng tự nhiên trên địa bàn để khai thác cây gỗ rồi cắt thành từng đoạn ngắn để lén lút đưa đi khu vực khác để tiêu thụ.
Nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng và lực lượng Biên phòng tại đây, việc vận chuyển cây rừng đã cưa hạ được thực hiện vào ban đêm từ hướng làng Ring của xã Ia Mơ đi theo đường liên xã về tập kết và bán lại cho thương lái tại làng Me thuộc xã Ia Piơr. Tại đây, các cây gỗ rừng nhanh chóng được đưa vào các cơ sở băm gỗ để biến cây rừng thành củi vụn. Điển hình như cơ sở băm gỗ S.H đặt tại xã Ia Piơr hoạt động từ nhiều tháng qua (cách UBND xã khoảng 1km), mỗi ngày tại đây thu mua khoảng 30-40 tấn gỗ trong đó có nhiều cây rừng tự nhiên đều thành củi vụn.
Cũng tại địa bàn xã Ia Mơ, một hướng khác tại kênh Đông, nhiều cây rừng dọc 2 bên bờ kênh cũng bị “cắt trọc” sau đó được cắt ngắn rồi đưa gỗ về nơi đặt trạm cân, máy băm tại xã Ia Piơr để bán.
Tại xã Ia Lâu, lại thêm một hướng khai thác gỗ rừng khác đưa cây, củi rừng về bán cho cơ sở H.G (cách UBND xã khoảng 2km) để băm và đưa lên lên xe thùng để vận chuyển về tỉnh Bình Định.
Trong quá trình ghi nhận hoạt động mua bán gỗ băm tại khu vực huyện Chư Prông, PV phát hiện có những cây rừng kích thước 30x40cm được cắt vuông vận chuyển bằng xe máy về làng. Khi hỏi chính quyền địa phương thì lãnh đạo xã cho rằng “không có việc cây rừng bị cưa hạ”.
Ngoài ra, có nơi mua trực tiếp cây vườn không qua sơ chế, để phục vụ việc cân cây vườn, cây rừng, nhiều trạm cây không phép mọc lên tại nhiều địa bàn các xã Ia Boòng, Ia Ga và Ia Puch để làm phiếu tính khối lượng. Sau đó, các loại cây khác nhau được tập kết lên xe tải chở trực tiếp về các tỉnh miền Trung tiêu thụ.
Cũng trên địa bàn huyện Chư Prông, nhiều lần trước đó, báo chí đã phản ánh tình trạng cưa hạ cây rừng, đào gốc để chế biến gỗ tại khu vực xã biên giới và được cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
Cây rừng tiếp tục về đâu?
Cùng trên địa bàn huyện Chư Prông, diện tích cây rừng hiện còn đang được các lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt, thường xuyên tuần tra, kiểm soát xử lý các vụ vi phạm lâm luật. Tuy vậy, người dân từ chuyện mưu sinh nên vẫn luôn tìm mọi cách để lén
lút cưa hạ cây rừng, làm cây chết dần… để bán cây và xâm hại, canh tác trên đất rừng.
Liên quan đến việc chặt hạ cây rừng tại huyện Chư Prông, một số thanh niên trên địa bàn trong quá trình cưa hạ, vận chuyển cây rừng đã quay, chụp lại hình ảnh làm
việc và đăng tải trên mạng xã hội chia sẽ với bạn bè. Một hình ảnh khác, một xe gỗ
rừng đưa về làng, trên xe công nông còn dính cả bảng “cấm chặt và đốt rừng”…các hình ảnh này được cho là xuất phát tại xã Ia Piơr và Ia Ga.
Ngoài những cây rừng bị cưa hạ, trà trộn đưa vào các cơ sở băm gỗ được nêu trên, thì nhiều cây rừng tự nhiên khác cũng bị “bức tử” trở thành củi khô sau đó bị cưa, chặt đưa vào các lò sấy nông sản, lò than, lò gạch. Cây rừng mất đi, để lại nhiều hậu quả nặng nề như lũ lụt, biến đổi khí hậu… và thực trạng đó đã và đang xảy ra trên địa bàn vùng biên giới của huyện Chư Prông nói riêng và khu vực biên giới
của tỉnh Gia Lai nói chung.
Trước hành vi phá hoại rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Chư Prông, mới đây cơ quan chức năng đã ra 3 quyết định khởi tố vụ án hủy hoại rừng ở 3 vị trí: với 2 nơi thuộc tiểu khu 981 do Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur quản lý, diện tích bị phá hơn 0,7ha, thuộc quy hoạch rừng phòng hộ; vị trí thứ 3 (thuộc lô 5, khoảnh 10, tiểu khu 1012, lâm phần UBND xã Ia Mơ quản lý), diện tích bị phá là hơn 1,4ha.
Từ đầu năm 2022 đến nay, các địa phương đã phát hiện 290 vụ, trong đó xử lý hình
sự 29 vụ. Theo nhận định từ cơ quan chức năng, số vụ vi phạm luật quản lý bảo vệ
rừng có chiều hướng giảm, tuy nhiên việc rầm rộ mua bán các loại cây để băm làm
gỗ vụn xuất khẩu với giá cao thì tình trạng phá rừng sẽ còn tiếp diễn, rừng tự nhiên
lại tiếp tục bị tàn phá.
Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân về tình trạng các hoạt động phá rừng, cơ sở băm gỗ trên địa bàn huyện Chư Prông, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND Đinh Văn Dũng cho biết: "Sau khi nhận được phản ánh, Huyện đã chỉ đạo lực lượng phối hợp kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, khi biết có đoàn kiểm tra thì tất cả tang vật đã bị tẩu tán. Huyện sẽ chỉ đạo làm rõ vấn đề này".
Báo điện tử Đại biểu Nhân Dân sẽ tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi
pháp luật của các cơ quan liên quan đến bạn đọc và cử tri cả nước.