Nguồn gốc khu đất
Theo hồ sơ vụ án, bà Lâm Thị Chính (69 tuổi, ngụ ấp Suối Đá, xã Dương Tơ, TP. Phú Quốc) và ông Nguyễn Việt Dũng (TP Phú Quốc) tranh chấp hơn 11.400m2 đất, thuộc thửa 218, tờ bản đồ số 01, tọa lạc tại ấp Suối Đá, xã Dương Tơ.
Theo văn bản giải quyết khiếu nại của UBND huyện Phú Quốc (nay là TP Phú Quốc) và UBND tỉnh Kiên Giang thể hiện, năm 1978, khu đất do Huyện ủy Phú Quốc quản lý. Sau đó, giao cho ông Lâm Văn Mười (cha ruột bà Lâm Thị Chính) trong coi khu đất.
Năm 1996, ông Mười qua đời, ông Huỳnh Văn Mang được Huyện ủy Phú Quốc thống nhất cho mua lại toàn bộ cây trồng trên đất, từ đó bà Chính và ông Mang xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, việc tranh chấp này được UBND huyện Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang giải quyết thấu đáo, công nhận cho ông Huỳnh Văn Mang được quyền sử dụng diện tích gần 13.600m2 đất (trong đó có diện tích 11.420,9m2 đất mà bà Chính tranh chấp với ông Nguyễn Việt Dũng).
Về phía bà Lâm Thị Chính, từ ngày bà Chính có đơn tranh chấp với ông Huỳnh Văn Mang, đến thời điểm hiện tại, UBND huyện Phú Quốc (nay là TP Phú Quốc) đã công nhận quyền sử dụng đất cho bà Lâm Thị Chính hơn 9.500m2, nhiều hơn 4.000m2 so với diện tích đất được công nhận theo Quyết định số 128 của Chánh Thanh tra tỉnh Kiên Giang ban hành hồi tháng 8.2000.
Mặc dù vậy, khi ông Mang bán thửa đất 11.420,9m2 cho Công ty Cổ phần chế biến thủy hải sản Liên Thành, sau đó công ty này chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Bích Liên; Bà Liên chuyển nhượng cho anh Nguyễn Việt Dũng, bà Chính bắt đầu tranh chấp đất với bà Liên, ông Dũng và trong phần đất tranh chấp bất ngờ xuất hiện 2 ngôi mộ?
Thi hành án bị kéo dài vì 2 ngôi mộ giả
Sau khi bà Lâm Thị Chính có đơn khởi kiện, TAND tỉnh Kiên Giang thụ lý vụ án. Đến ngày 2.7.2020, TAND tỉnh Kiên Giang có bản án sơ thẩm số 18 và ngày 15.12.2020, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh ban hành bản án phúc thẩm số 677.
Tại 2 bản án này, HĐXX hai cấp tòa, bác toàn bộ yêu cầu của bà Lâm Thị Chính. Tòa án buộc bà Lâm Thị Chính phải di dời toàn bộ tài sản, công trình, vật kiến trúc, cây trồng ra khỏi diện tích 11.420,9m2 đất tranh chấp; trong đó có 2 ngôi mộ.
Đến ngày 29.12.2020, Cục THADS tỉnh Kiên Giang ra quyết định THA. Trong quá trình di dời vật kiến trúc và buộc bà Chính di dời 2 ngôi mộ ra khỏi phần đất tranh chấp, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ra quyết định hủy bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm; giao hồ sơ vụ kiện cho TAND tỉnh Kiên Giang xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.
Sau khi củng cố hồ sơ, từ ngày 15-23.11.2022, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử lại vụ án và ban hành bản án số 55/2022/DS-ST ngày 23.11.2022, bác toàn bộ yêu cầu của bà Lâm Thị Chính. Sau đó, bà Chính có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm lên TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.
Đến ngày 24.4.2022 và ngày 19.5.2022, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh mở các phiên tòa phúc thẩm. Tại các phiên tòa này, bà Lâm Thị Chính và người đại diện theo ủy quyền đều vắng mặt.
Căn cứ vào quy định pháp luật, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh ra quyết định đình chỉ vụ án, đồng thời công nhận bản án số 55/2022/DS-ST, ngày 23.11.2022 của TAND tỉnh Kiên Giang có hiệu lực pháp luật từ ngày 19.5.2022.
Do bà Lâm Thị Chính khai tại tòa, trong phần đất tranh chấp có 2 ngôi mộ, trong đó có mộ liệt sĩ Lâm Văn Nhiều (tự Lâm Văn Đức là em trai bà Chính). Từ đó, trước khi thực hiện quyết định cưỡng chế, di dời 2 ngôi mộ ra khỏi phần đất tranh chấp theo Bản án số 55/2022/DS-ST, ngày 23.11.2022 của TAND tỉnh Kiên Giang, lãnh đạo Cục THADS tỉnh Kiên Giang phối hợp các ngành chức năng làm rõ chi tiết mộ liệt sĩ Lâm Văn Nhiều.
Sau khi làm việc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang, Sở LĐ-TB&XH An Giang, Phòng LĐ-TB&XH huyện An Biên, Cục THADS tỉnh Kiên Giang đủ cơ sở và khẳng định, liệt sĩ Lâm Văn Nhiều được cải táng tại nghĩa trang huyện An Biên từ những năm 1988. Hiện nay hài cốt liệt sĩ Lâm Văn Nhiều vẫn đang cải táng tại Nghĩa trang huyện An Biên.
Trên cơ sở đó, ngày 30.11.2023, Cục THADS tỉnh Kiên Giang phối hợp các sở, ngành và chính quyền TP. Phú Quốc (Kiên Giang) tiến hành cưỡng chế buộc bà Lâm Thị Chính phải di dời 2 ngôi mộ có tổng diện tích 9,1m2 ra khỏi phần đất tranh chấp.
Khi Hội đồng cưỡng chế tiến hành đào để di dời 2 ngôi mộ về nghĩa trang nhân dân xã Dương Tơ, lực lượng chức năng phát hiện 2 ngôi mộ không có hài cốt. Hội đồng cưỡng chế tiến hành lập biên bản về hai ngôi mộ giả trước sự chứng kiến của các ngành chức năng để phục vụ cho công tác sau này.
Ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng: “Gia đình tôi mất nhiều thời gian và công sức theo đuổi vụ kiện hơn 3 năm qua cũng từ việc bà Lâm Thị Chính dựng lên 2 ngôi mộ giả trong khu đất tranh chấp nhằm làm khó cơ quan Nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội. Hành vì này các cơ quan chức năng cần xem xét, xử lý”.
* Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.