Tại Kết luận thanh tra (KLTT) số 950/KL-TTCP(ngày 29.4.2014) và Thông báo KLTT số 950/KL-TTCP và ngày 4.3.2015, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra nhiều sai phạm của Trường Đại học (ĐH) Mở TP. Hồ Chí Minh trong quá trình hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, đầu tư xây dựng phát triển trường… Trong đó, có việc Trường đã dùng tiền của Trường để mua đất tại tỉnh Bình Thuận và huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) nhưng giao cho cá nhân đứng tên đất.
Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh phản hồi gì?
Sau khi Báo Đại biểu Nhân dân phản ánh “Kết luận thanh tra 10 năm trước có được Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh thực hiện?”, ngày 28.11, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Nguyễn Minh Hà đã ký Văn bản số 2953/ĐHM cung cấp một số thông tin liên quan đến vụ việc.
Theo văn bản của Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh, thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tại Công văn số 794/TTr-NV1 ngày 19.7.2024, ngày 5.8.2024, Trường có công văn số 1802/ĐMH báo cáo kết quả thực hiện nội dung. Theo đó, Trường đã nghiêm túc triển khai thực hiện KLTT số 950/KL-TTCP và Thông báo KLTT số 408/TB-TTCP của TTCP. Nội dung báo cáo cũng được Nhà trường gửi Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TP. Hồ Chí Minh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thanh tra Bộ GD-ĐT
Về Dự án trại thực nghiệm tại Bình Thuận, văn bản của Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh thể hiện, từ khi Trường có chủ trương xây dựng trại thực nghiệm Bình Thuận đến nay, toàn bộ khu đất thực hiện dự án do Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ của Nhà trường. Hiện các hồ sơ pháp lý liên quan đến trại thực nghiệm Bình Thuận của Trường đang được lưu trữ sau khi nhận bàn giao từ ông Đỗ Sa Kỳ.
“Sau khi có kết luận của TTCP, Trường đã thành lập các Tổ công tác và thuê công ty tư vấn luật nhằm hỗ trợ Trường để xử lý dứt điểm vấn đề trên theo đúng kết luận. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc bởi các thủ tục pháp lý, do đó, Nhà trường vẫn đang quá trình tiếp tục triển khai thực hiện. Trước tình hình khó khăn trong quá trình thực hiện việc chuyển tên, cá nhân ông Đỗ Sa Kỳ đã chủ động có đơn hiến quyền sử dụng đất cho Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh (được Văn phòng Công chứng Nguyễn Nguyệt Huệ chứng thực vào ngày 22.7.2022)", văn bản của Trường ĐH Mở thông tin.
"Tự nguyện hiến đất" cho Trường sau 7 năm bị thanh tra chỉ rõ vi phạm
Đối với Dự án Trại thực nghiệm tại Bình Thuận của Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh, TTCP đã chỉ ra nhiều sai phạm như: chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng Lãnh đạo Trường vẫn chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng – chuyển giao công nghệ (NCƯD-CGCN) triển khai thực hiện; không xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất dẫn đến việc đầu tư manh mún, không đồng bộ gây lãng phí trong đầu tư; không thực hiện việc phê duyệt chủ trương, lập dự án đầu tư, thiết kế, dự toán, tổ chức thực hiện theo quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12.2.2009 của Chính phủ và Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14.02.2001 của Bộ Tài chính.
Việc Hiệu trưởng Trường ủy quyền cho cá nhân sử dụng tiền của Trường để mua đất cho dự án nhưng đứng tên cá nhân là không đúng quy định. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản chấp thuận chuyển mục đích sử dụng khu đất trên cho Trường làm trại thực nghiệm.
Các tài liệu liên quan cho thấy, người được Hiệu trưởng Trường ủy quyền và đứng tên khu đất là ông Đỗ Sa Kỳ, lúc đó là Trưởng phòng Đầu tư xây dựng, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm NCƯD-CGCN. Ông Kỳ hiện là Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh.
Theo tài liệu, trong năm 2018, 2020, 2023, Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh đã ban hành các Quyết định thành lập Tổ xử lý trại thực nghiệm Bình Thuận. Tổ này có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý toàn bộ tài sản của trại thực nghiệm theo đúng quy định (2018) và chuyển dự án khu thực nghiệm Bình Thuận về tài sản của Trường (năm 2020, và 2023).
Dù TTCP đã kết luận những sai phạm tại Dự án trên từ năm 2014, tuy nhiên quá trình xử lý, khắc phục các sai phạm kéo dài đến nay 10 năm vẫn chưa xong. Đặc biệt, trong quá trình xử lý trại thực nghiệm Bình Thuận, ngày 22.7.2022, vợ chồng ông Đỗ Sa Kỳ đã có “Đơn hiến quyền sử dụng đất” gửi UBND huyện Hàm Thuận Nam và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hàm Thuận Nam.
Theo đó, vợ chồng ông Đỗ Sa Kỳ “xin thống nhất hiến quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cụ thể là Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh để xây dựng dự án trại thực nghiệm của Trường”. Tổng diện tích “xin hiến” là 50.000m2 thuộc Thửa số 02, Tờ bản đồ 00 tại Thôn 2, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam; thời hạn sử dụng đất tháng 6.2053. Đất có nguồn gốc sử dụng: Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. “Gia đình tôi hiến diện tích 50.000m2 đất (nêu trên) cho Nhà nước là tự nguyện và không yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại về đất”, đơn hiến quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Kỳ nêu.
Dư luận băn khoăn: tại sao từ năm 2014, TTCP kết luận Trường ĐH Mở dùng tiền mua đất và để ông Đỗ Sa Kỳ Đứng tên khu đất là sai quy định nhưng mãi đến năm 2022 ông Kỳ lại có đơn “hiến quyền sử dụng đất”? Phải chăng đất đó là thuộc sở hữu của ông Kỳ?
Trong khi đó, Dự án đầu tư khu du lịch sinh thái Cần Giờ (từ năm 2007) cũng diễn ra với hình thức tương tự: dùng tiền của Trường mua đất giao cho cá nhân tên Lê Anh Tuấn (nguyên Giám đốc Trung tâm NCƯD-CGCN) đứng tên quyền sử dụng đất. Dự án này đã được xử lý theo hướng khác: ông Tuấn đã nộp lại số tiền mua đất vào tài khoản của trường.
Được biết, KLTT số 950/KL-TTCP ngày 29.4.2014 và Thông báo KLTT số 408/TB-TTCP ngày 4.3.2015 của TTCP đã chỉ ra nhiều sai phạm của Trường ĐH Mở trong quá trình hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, đầu tư xây dựng phát triển trường… Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số nội dung liên quan đến vấn đề tài chính Trường vẫn chưa thực hiện xong.
* Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc và cử tri cả nước.