Những con số trên cho thấy, số tiền thi hành án phải thu là rất lớn và ngày càng tăng cao về giá trị, và việc phải thi hành. Hiện, theo quy định, việc thu nộp tiền thi hành án được thực hiện thông qua 3 hình thức: thu bằng tiền mặt; thu qua tài khoản; thu qua kết chuyển. Tuy vậy, hình thức chủ yếu vẫn là thu trực tiếp bằng tiền mặt. Hình thức này phải qua khá nhiều thủ tục, phát sinh nhiều loại giấy tờ như: Giấy báo, giấy triệu tập; biên lai, phiếu thu, các chứng từ kế toán... dẫn đến tốn kém thời gian và chi phí, đặc biệt là gây áp lực không nhỏ đối với chấp hành viên, nhất là ở những địa bàn có số lượng việc lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... Mặt khác cũng gây ra một số bất tiện cho người dân, nhất là đối với những khoản tiền phải thi hành án nhỏ; thi hành án theo định kỳ hoặc những trường hợp người dân ở xa trụ sở cơ quan THADS…
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), Bộ Tư pháp: trong năm 2020, tổng số tiền thi hành án phải giải quyết là hơn 294.081 tỷ đồng, số tiền thi hành trong năm 2020 là hơn 53.779 tỷ (tăng 1,84%) so với cùng kỳ năm 2019; trong 9 tháng năm 2022 (từ 1.10.2021 đến 30.6.2022), hệ thống THADS đã thi hành 348.490 việc, tương ứng với trên 52.166 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 64,35% về việc, 29,47% về tiền (tăng 0,42% về việc, 6,16% về tiền so với cùng kỳ năm 2021).
Thực tế, cùng với hình thức thu trực tiếp bằng tiền mặt, hình thức chuyển khoản vẫn được thực hiện. Tuy nhiên, việc chuyển khoản chưa phổ biến, một phần do thói quen sử dụng tiền mặt trong các giao dịch dân sự của người dân Việt Nam, cũng như tâm lý e ngại “chuyển khoản không bảo đảm độ chắc chắn, nhất là đối với khoản tiền thi hành án dân sự lại càng… không an tâm”. Chính vì thế, người phải thi hành án, nhất là các khoản nhỏ lại… càng chọn dùng tiền mặt.
Thực tế này cho thấy, cần đổi mới các hình thức thu, nộp tiền thi hành án dân sự. Đây cũng là việc góp phần thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực tư pháp. Bởi, việc nộp tiền thi hành án bằng hình thức không dùng tiền mặt không chỉ thuận tiện cho người dân, giảm áp lực cho chấp hành viên mà còn bảo đảm được sự minh bạch, rõ ràng các khoản thu.
Tuy vậy, để có thể áp dụng hình thức thanh toán này, trước hết Luật Thi hành án dân sự cần bổ sung quy định mở rộng các hình thức thu nộp khác, như: thừa nhận hình thức thu nộp tiền thi hành án bằng việc sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời mở hệ thống tài khoản liên ngân hàng của cơ quan THADS tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu liên kết giữa cơ quan THADS và các tổ chức cung ứng dịch vụ… bảo đảm tính liên thông, cũng như bảo mật các thông tin liên quan đến người thi hành án dân sự.