Hơn 12.624 tỷ đồng rà phá bom mìn
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701), giai đoạn 2010 - 2020, tổng diện tích khảo sát, rà phá bom mìn là hơn 500 nghìn hecta, trong đó hơn 400 nghìn hecta do các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện, 80 nghìn hecta do các tổ chức quốc tế thực hiện.
Tổng nguồn lực đã được dành cho công tác khảo sát, rà phá bom mìn là hơn 12.624 tỷ đồng. Trong đó, nguồn từ Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 là 1.427 tỷ đồng, từ các dự án đầu tư phát triển là 9.000 tỷ đồng, từ viện trợ không hoàn lại của nước ngoài khoảng 2.197 tỷ đồng (tương đương với 95,5 triệu USD). Trong giai đoạn hiện nay, việc rà phá bom mìn thực hiện được khoảng 30 – 50 nghìn hecta/năm. Các điểm nóng tồn lưu chất độc hóa học/dioxin được tổ chức khắc phục cơ bản, trong đó có việc hoàn thành xử lý, cô lập ở sân bay Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng), sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định), đang tiến hành nghiên cứu xử lý ở sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), sân bay ASo (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế); tổ chức thực hiện dự án hỗ trợ cho nạn nhân ở các tỉnh bị phun rải nặng chất độc hóa học/dioxin.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 701 đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện điều tra, thu gom, xử lý chất độc CS, đến nay, đã xử lý khoảng 260 tấn chất độc CS trên địa bàn các tỉnh thuộc các Quân khu 4, 5, 7, 9; khoanh vùng chống lan tỏa cho 18 điểm xử lý tập trung tại các tỉnh; xây dựng bản đồ các điểm phát hiện tồn lưu...
Cải thiện chất lượng cuộc sống cho nạn nhân bom mìn
Cũng theo Ban Chỉ đạo 701, tính đến nay, có khoảng 163 nghìn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và hơn 73 nghìn con đẻ của họ đang được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Chất lượng cuộc sống và sức khỏe của các nạn nhân bom mìn, chất độc da cam/dioxin từng bước được cải thiện thông qua các chương trình, dự án, hoạt động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các tổ chức có liên quan.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam hiện nay khoảng 800 nghìn tấn, nằm rải rác trên tổng diện khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,82% tổng diện tích của cả nước. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 4 vạn người chết, 6 vạn người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Trước thực trạng này, Nhà nước đã có nhiều chính sách khắc phục hậu quả bom mìn và quan tâm và hỗ trợ cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi hậu quả bom mìn gây ra. Các công việc này đã và đang được các bộ, ngành và các địa phương tích cực triển khai, trong đó, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện đã đem lại nhiều kết quả, thành tựu quan trọng.
Để tiếp tục cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn, từng bước tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng, ổn định và tự vươn lên trong cuộc sống, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề ra kế hoạch cho giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch này tập trung vào 5 mục tiêu cụ thể với 6 hoạt động chính, trong đó có hỗ trợ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ học nghề, tìm việc làm cho các nạn nhân bom mìn, người khuyết tật. Các tỉnh, thành phố trọng điểm về ô nhiễm bom mìn sẽ tiến hành hỗ trợ mô hình sinh kế. Mô hình tập trung vào hỗ trợ cây giống, con giống, công cụ, phương tiện, cơ sở vật chật… để giúp người khuyết tật, nạn nhân bom mìn, vật liệu tổ chức lao động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ học nghề, tạo việc làm; hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ tín dụng để sản xuất kinh doanh.