Các chỉ tiêu cơ bản về bảo vệ môi trường đạt kết quả tích cực
Thời gian qua, với sự phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, thương mại dịch vụ, y tế đã kéo theo khối lượng rác sinh hoạt nói chung, rác thải nhựa nói riêng tăng lên, gây sức ép đối với môi trường đất, nước, không khí và đe dọa đến môi trường sống, hệ sinh thái biển và sức khỏe người dân. Từ thực trạng này, tỉnh Sóc Trăng cũng đã tập trung triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm thu gom, xử lý lượng rác thải nhựa phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng, trong quá trình hoạt động, đơn vị luôn tích cực quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về môi trường. Theo đó, hằng năm Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động tuyên truyền nhân các ngày sự kiện môi trường hằng năm, như: ngày Môi trường thế giới (5.6); Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; Tuần lễ Biển, hải đảo... Bên cạnh đó, tổ chức 5 lớp tập huấn nâng cao nhận thức với hơn 1.000 người tham gia. Phát hành 39.500 tờ rơi, lắp đặt 45 bảng pano và 16 bảng tuyên truyền, bảng điện tử, 120 băng rôn, 2.370 nón vải, 2.830 túi vải; 5.000 sổ tay tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa; 900 thùng rác cho các địa phương. Ngoài ra, còn tổ chức ra quân khơi thông cống rãnh, vớt rác làm sạch nguồn nước trên các đoạn sông, kênh rạch, cửa sông ven biển bị ô nhiễm do rác với trên 25 lượt…
Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025, các chỉ tiêu cơ bản về bảo vệ môi trường đạt kết quả tích cực. Cụ thể, tỷ lệ xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; tỷ lệ cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải đều đạt 100% (đạt chỉ tiêu nghị quyết). Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị, công nghiệp, dịch vụ đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 95,88% (chỉ tiêu nghị quyết 93,35%, vượt chỉ tiêu). Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu dân cư nông thôn, làng nghề đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 65,39% (chỉ tiêu nghị quyết 62,8%, vượt chỉ tiêu). Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải nguy hại thải đạt 100% (đạt chỉ tiêu nghị quyết).
Tiếp tục tăng cường nhiều giải pháp
Mặc dù, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn theo tiêu chuẩn môi trường trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ tương đối cao nhưng việc giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần cũng đang gặp một số khó khăn, thách thức do các đơn vị, cửa hàng cung cấp sản phẩm thay thế nhựa còn hạn chế; hệ thống thu gom rác thải nhựa, nhất là tại khu vực nông thôn chưa được mở rộng; rác thải nhựa phát sinh trong sinh hoạt của hộ gia đình, sản xuất nông nghiệp chưa được thu gom, phân loại, xử lý triệt để; các sản phẩm thân thiện với môi trường chưa phổ biến. Theo dự báo của ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng, trong thời gian tới, lượng rác thải nhựa phát sinh sẽ còn tăng và gây nhiều áp lực đối với môi trường.
Hiện, tỉnh Sóc Trăng đã tăng cường bố trí các thiết bị lưu chứa và các điểm tập kết chất thải, rác thải nhựa phù hợp, an toàn, thuận lợi, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường, tránh trường hợp người dân gặp khó khăn trong việc tìm nơi bỏ rác; tập trung thu hút xã hội hóa trong thu gom, xử lý chất thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa; tạo điều kiện, khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện các hoạt động thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa ở các lưu vực sông, cửa sông, hệ sinh thái ven biển, rừng ngập mặn, khu du lịch ven biển, vùng nước ven biển.
Song song đó, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh áp dụng cơ chế khuyến khích, ưu đãi đầu tư đối với những loại hình ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường và hạn chế sử dụng vật liệu nhựa, tăng cường sử dụng vật liệu thân thiện môi trường trong quá trình sản xuất; tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa; áp dụng các chính sách hạn chế sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt; tạo lập thị trường tiêu dùng cho các sản phẩm túi thân thiện với môi trường; từng bước áp dụng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” và nâng cao vai trò, trách nhiệm xử lý rác thải nhựa của nhà sản xuất cho các sản phẩm nhựa theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong tái chế nhựa nhằm tối đa hóa vòng đời của sản phẩm nhựa, vừa để đạt được lợi ích về kinh tế, vừa tạo ra các giá trị mới cho xã hội và môi trường; xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về tác hại của các sản phẩm sử dụng một lần có nguồn gốc từ nhựa, túi nilon khó phân hủy đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe người dân; phát động các chương trình thu gom, xử lý rác thải nhựa đại dương; và biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt, các sáng kiến có giá trị trong việc giảm thiểu rác thải nhựa; triển khai nhân rộng các mô hình, phong trào thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa tại các khu vực ven biển; thông tin cụ thể những trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các trường hợp vứt, đổ chất thải, rác thải nhựa không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường