Hoàn thiện khung pháp lý cho tín chỉ carbon rừng
Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực châu Á có hành lang pháp lý ghi nhận vai trò của carbon rừng trong việc thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng như định hướng về việc thương mại carbon rừng. Song, chúng ta vẫn gặp vấn đề về khung pháp lý và chính sách do chưa đầy đủ. Bởi tham gia vào thị trường tín chỉ carbon vừa là cơ hội và cũng là thách thức để bắt nhịp thị trường trong nước và quốc tế đối với yêu cầu về sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững.
Chính vì thế cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường carbon Việt Nam để tránh tình trạng loay hoay mua bán loại “hàng hóa đặc biệt” này.
Theo TS. Nguyễn Phương Nam, Tổng giám đốc công ty Tư vấn & Dịch vụ Đổi mới khí hậu KLINOVA, để thị trường carbon thí điểm vào năm 2025 và chính thức vào năm 2028 thì cần rất nhiều các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về điều kiện, phương thức tham gia, giúp hoạt động trao đổi, mua bán được diễn ra thuận lợi, minh bạch và dễ dàng.
Theo Báo cáo Quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã mất 3,2% GDP vào năm 2020 do tác động của biến đổi khí hậu. Xa hơn nữa, tác động của biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam thiệt hại 12 - 14,5% GDP vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, thúc đẩy thị trường carbon được xem là chìa khóa hiệu quả để thúc đẩy các bên đẩy nhanh việc giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Điều này cũng đã được cụ thể hóa bằng Luật Bảo vệ môi trường, các Nghị định, hành lang pháp lý và có những chiến lược, đề án bảo vệ, phê duyệt những cam kết hành động quốc gia về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển thị trường và triển khai thương mại tín chỉ carbon rừng trong thời gian tới cần tập trung nghiên cứu tiềm năng và phân bổ hạn ngạch giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng cho các địa phương; hoàn thiện thể chế chính sách về chuyển nhượng và quản lý tài chính nguồn thu từ tín chỉ carbon rừng. Mặt khác, các địa phương cũng cần chủ động huy động và lồng ghép các nguồn lực hợp pháp thực hiện các biện pháp giảm phát thải/tăng hấp thụ trong lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thị trường tín chỉ carbon – động lực cho kinh tế xanh
Theo ước tính của các chuyên gia, riêng lĩnh vực lâm nghiệp, giai đoạn 2021 – 2030, tiềm năng Việt Nam có khoảng 40 – 70 triệu tấn CO2 có thể tham gia trao đổi, chuyển nhượng trên thị trường. Năm 2023, lần đầu tiên tại Việt Nam chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) cho Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng).
Trước mắt, nếu Việt Nam sớm có thị trường tín chỉ carbon thì doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đáp ứng điều kiện về carbon khi xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu mà còn giữ lại được một nguồn tài chính ở trong nước. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để đầu tư phát triển công nghệ ít phát thải carbon và nâng cao nhận thức của người dân của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và kể cả lãnh đạo về vai trò, tầm quan trọng của bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh.
GS. TS Hoàng Văn Sâm, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Đại học Lâm nghiệp khẳng định, khi vận hành thị trường carbon một cách minh bạch thì thu nhập của người dân, những người trồng rừng, những người bảo vệ rừng, những người làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học sẽ được nâng cao thu nhập.
Hiện nay, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng đòi hỏi sự chung tay của tất cả quốc gia trong việc cụ thể hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Xu hướng chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới. Các thị trường lớn của Việt Nam, đặc biệt là EU và Mỹ, đang áp dụng các quy chuẩn sản xuất bền vững, sản xuất xanh với hàng hóa.
Tuy nhiên, để thực hiện cam kết mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó nhấn mạnh chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 và chấm dứt sản xuất điện than vào năm 2040 thì rất cần nhiều nguồn lực tập trung để đạt được mục tiêu này. Ông Phạm Hồng Quân, Cố vấn chiến lược Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu, Hội Nước sạch và Bảo vệ môi trường Việt Nam cho rằng cần phải chuẩn bị nhiều nguồn lực, bao gồm vật lực, nhân lực, các trang thiết bị, tài chính. Tài chính ở đây bao gồm cả nguồn tài chính từ quốc gia, từ doanh nghiệp, từ hỗ trợ quốc tế. Phải biến những thách thức thành cơ hội thuận lợi để thực hiện tốt các hoạt động trong thị trường carbon.
Phát triển thị trường carbon không chỉ đúng với xu thế của thế giới mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 7.2024, đã có 48 quốc gia triển khai thị trường carbon theo cơ chế bắt buộc. Bên cạnh đó là thị trường carbon tự nguyện do các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế thành lập.
Dù chưa có sự thống nhất trên phạm vi toàn cầu về trao đổi hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon xuyên biên giới nhưng đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ ký thoả thuận về trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon. Đây là những tín hiệu tích cực để nước ta vận hành thị trường tín chỉ carbon vào năm 2025 theo dự kiến. Khi được vận hành theo đúng tiến độ sẽ đóng góp tích cực cho tiến trình giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới bảo đảm mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.