Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện các sở, ban ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, Ban quản lý các khu bảo tồn, vườn quốc gia, một số doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang được UNESCO công nhận vào năm 2006, có tổng diện tích gần 1,2 triệu ha, thuộc địa phận các huyện Kiên Lương, Kiên Hải, U Minh Thượng và thành phố Phú Quốc. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang có ba vùng lõi gồm: Vườn quốc gia U Minh Thượng, Vườn quốc gia Phú Quốc và rừng phòng hộ ven biển Kiên Lương - Kiên Hải. Đây là một trong những khu vực đặc biệt không chỉ của Việt Nam mà còn của toàn cầu với 7 hệ sinh thái đặc trưng và 22 dạng sinh cảnh khác nhau. Cụ thể bao gồm: Hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh; Hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi; Hệ sinh thái rừng Tràm ngập nước theo mùa; Hệ sinh thái rừng ngập mặn; Hệ sinh thái đồng cỏ; Hệ sinh thái rạn san hô và Hệ sinh thái thảm cỏ biển. Khu vực này là ngôi nhà của gần 1.500 loài thực vật, trong đó có 118 loài quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ và 60 loài đặc hữu; hơn 900 loài động vật, trong đó có 95 loài quý hiếm và 57 loài đặc hữu. Đặc biệt, Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang còn là thành trì bảo vệ bờ biển, là lá chắn xanh trước biến đổi khí hậu và là nguồn sống bền vững cho các cộng đồng địa phương.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều di sản thiên nhiên khác, khu vực này cũng đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn và các áp lực từ phát triển kinh tế đang đe dọa sự bền vững của Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang. Những vấn đề này đòi hỏi phải có có những chiến lược, kế hoạch đồng bộ của các nhà quản lý cùng với sự tham gia của các bên liên quan và cộng đồng cùng chung tay bảo vệ.
Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học Hoàng Thị Thanh Nhàn, diễn đàn được tổ chức nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về quản lý khu dự trữ sinh quyển, hướng dẫn về xây dựng quy chế và kế hoạch quản lý, bảo vệ môi trường khu dự trữ sinh quyển. Diễn đàn sẽ góp phần giúp tỉnh Kiên Giang hiểu rõ hơn về yêu cầu, quy định pháp lý trong nước và quốc tế trong việc quản lý, bảo tồn khu dự trữ sinh quyển, đồng thời, giúp các nhà quản lý nắm bắt được thực trạng quản lý khu dự trữ sinh quyển tại địa phương. Trên cơ sở đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lý về khu dự trữ sinh quyển, tăng cường hiệu quả quản lý và bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đối với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang.
Cũng tại diễn đàn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang Nguyễn Xuân Niệm đã nêu ra những tồn tại, khó khăn đối với công tác quản lý khu dự trữ sinh quyển như: thiếu các văn bản quy định, hướng dẫn chung đối với quản lý khu dự trữ sinh quyển dẫn đến còn lúng túng trong công tác quản lý và quy hoạch sử dụng đất cho khu vực dân cư; công tác tuyên truyền vận động có tập trung thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao, đặc biệt đối với việc chấp hành pháp luật của người dân liên quan đến đất đai khu bảo tồn; vấn đề kêu gọi đầu tư, đề tài dự án bảo tồn, đa dạng sinh học còn hạn chế; công tác bảo tồn, cứu hộ, phát triển sinh vật chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật còn thiếu rất nhiều…
Còn theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang Huỳnh Vĩnh Lạc chia sẻ, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang đang trong giai đoạn đánh giá thực trạng biến động tài nguyên và đa dạng sinh học. Qua diễn đàn này, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển được hướng dẫn xây dựng quy chế, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường; báo cáo đánh giá lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các giải pháp tuyên truyền nhằm tăng hiệu quả truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và phát huy giá trị Khu dự trữ sinh quyển thời gian tới.
Các đại biểu tham dự diễn đàn cũng đã có những trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến về chính sách và hành lang pháp lý, các giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới nói chung và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang nói riêng như: Khung pháp lý về quản lý và bảo vệ môi trường; điều tra, đánh giá khu dự trữ sinh quyển; các hoạt động khuyến khích và hoạt động cần hạn chế trong khu dự trữ sinh quyển; mức độ ưu tiên bảo tồn của từng phân vùng; tổ chức, quản lý nguồn lực, kinh phí hoạt động cùng các quy định liên quan khác.