Ung thư buồng trứng nguy hiểm như thế nào?
Theo bác sĩ Bệnh viện K, ung thư buồng trứng là ung thư đường sinh dục thường gặp ở nữ giới, đứng thứ hai sau ung thư cổ tử cung.
Ước tính trên toàn thế giới, mỗi năm có khoảng 240.000 phụ nữ được chẩn đoán có khối u ác tính tại buồng trứng, gần 150.000 ca tử vong.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1.200 trường hợp phụ nữ được chẩn đoán ung thư buồng trứng. Hầu hết các trường hợp xuất hiện ở độ tuổi mãn kinh nhưng bệnh cũng có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn.
Với ung thư buồng trứng, các triệu chứng đều không đặc hiệu, hầu hết phụ nữ đến gặp bác sĩ với các triệu chứng trong 6 hoặc 9 tháng trước khi được chẩn đoán.
Các triệu chứng phổ biến nhất của ung thư buồng trứng bao gồm: Đầy hơi; đau bụng, lưng hoặc vùng chậu; cảm giác khó chịu, đau ở vùng bụng dưới; rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón; tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân; ăn kém, cảm giác đầy bụng kể cả sau một bữa ăn nhẹ.
Bên cạnh đó, thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép vào bàng quang; chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt; đau khi quan hệ tình dục.
Bác sĩ Bệnh viện K cho biết, bệnh ung thư buồng trứng hiện nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây bệnh. Nhưng các nghiên cứu cho thấy, có sự liên quan giữa các yếu tố sau làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng như:
- Phụ nữ qua thời kỳ mãn kinh hoặc sinh đẻ ít
- Kinh nguyệt không đều
- Phụ nữ dùng thuốc kích thích rụng trứng
- Dùng liệu pháp thay thế hormone hậu mãn kinh - Người bị ung thư vú
- Yếu tố di truyền: Những phụ nữ có mẹ hoặc chị em gái đã mắc ung thư buồng trứng, ung thư vú hay ung thư đại trực tràng thì nguy cơ mắc ung thư buồng trứng tăng gấp 2 đến 4 lần
Các biện pháp điều trị và phòng ngừa ung thư buồng trứng
Bác sĩ Bệnh viện K cho biết, để phát hiện bệnh sớm, chị em phụ nữ cần làm những xét nghiệm chuyên biệt sau để có phương án điều trị phù hợp. Cụ thể:
- Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm HE4, CA 125, CA15-3 và CA72-4 trong máu sẽ giúp đưa ra kết luận về ung thư buồng trứng.
Theo đó, giá trị chẩn đoán của HE4 ở giai đoạn sớm là 62-83%, giai đoạn muộn là 75-93%. Giá trị chẩn đoán của CA125 ở giai đoạn sớm là 50%, giai đoạn muộn là 92%. Trong khi giá trị chẩn đoán của CA15-3 chỉ đạt 50-56% và CA72-4 chỉ đạt 63-71% thì sự kết hợp các dấu ấn này có thể làm độ nhạy chẩn đoán tăng lên.
– Siêu âm: Phương pháp siêu âm chủ yếu được dùng để phát hiện ra ung thư nhưng không thể nhận định được đó là ung thư lành tính hay ác tính. Phương pháp này sử dụng các sóng âm thanh để có được hình ảnh của buồng trứng và phát hiện các biểu hiện phát triển bất thường trong buồng trứng.
– Chụp MRI hay chụp CT: Hình thức kiểm tra bằng chụp MRI hay chụp CT sẽ cho thấy hình ảnh chụp ở các góc nên các bác sĩ có thể chẩn đoán mức độ ảnh hưởng của khối u trong buồng trứng.
– Sinh thiết: Các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm trên mô bệnh phẩm để thấy được sự tăng trưởng của toàn bộ khối u như thế nào, từ đó có cách thức điều trị phù hợp hơn.
Bác sĩ khuyến cáo, ung thư buồng trứng là căn bệnh nguy hiểm, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong cho người bệnh. Do đó, để phát hiện và có hướng điều trị kịp thời, mọi người nên quan tâm đến sức khỏe của mình và thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.
Cần tầm soát ung thư buồng trứng định kỳ, đặc biệt lưu ý khám ngay khi có dấu hiệu bất thường. Nếu có nguy cơ di truyền mắc bệnh ung thư buồng trứng chẳng hạn như tiền sử gia đình hoặc xét nghiệm BRCA dương tính nhằm kiểm tra các đột biến gene có hại liên quan đến ung thư vú và ung thư buồng trứng, trong trường hợp đó, cần khám sớm hơn và tư vấn bác sĩ.
Tùy vào sự tiến triển của bệnh, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Ung thư buồng trứng thường được điều trị bằng phẫu thuật, hóa học trị liệu hoặc trị liệu bức xạ.
Bên cạnh điều trị theo phác đồ của bác sĩ, người bệnh cần ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau củ quả, ngũ cốc, giảm chất béo, hạn chế uống bia rượu và các chất kích thích, duy trì cân nặng lý tưởng, tập luyện thể dục thường xuyên.
Đồng thời, tái khám đúng hẹn, tuân thủ những chỉ định của bác sĩ. Không tự ý uống thuốc hoặc bỏ thuốc trong toa. Khi xuất hiện các tác dụng phụ của thuốc, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế điều trị, tránh ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.