Nhân 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924 - 2024)

Nhớ về họa sư Nam Sơn

Trong công trình nghiên cứu dày dặn “Lịch sử mỹ thuật Việt Nam” (Nxb ARHIS, Paris 2003), tác giả, nhà nghiên cứu người Pháp Corinne de Ménonville viết: “Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời do một nghị định của Toàn quyền Đông Dương năm 1924, nhưng thật ra đó là kết quả của tình bạn giữa hai họa sĩ: Victor Tardieu và Nam Sơn”.

Từ làm người mẫu…

Sau khi giành Giải thưởng Đông Dương (Prix de l’Indochine) năm 1920, họa sĩ Victor Tardieu (1870 - 1937) được tưởng thưởng chuyến du ngoạn Đông Dương một năm để sáng tác.

“Nhà nho xứ Bắc”, 1923, sơn dầu của Nam Sơn - Ảnh tư liệu
“Nhà nho xứ Bắc”, 1923, sơn dầu của Nam Sơn

Năm 1921, tại Hà Nội, Victor Tardieu nhận được hợp đồng từ Toàn quyền Đông Dương vẽ bức tranh sơn dầu khổ lớn khoảng 78m2 để dán trên tường giảng đường chính của Đại học Đông Dương (nay là Đại học Quốc gia, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội). Ông dự kiến sẽ vẽ một bức tranh đề cao việc học bằng hình tượng Allégorie du Progrès - bà mẹ của trí tuệ, tay cầm sách, hướng mọi người đến tri thức.

Thời đó ở Việt Nam chưa có nghề người làm mẫu. Qua giới thiệu của ông Louis Marty - Chủ tịch danh dự Hội quán Sinh viên An Nam (Foyer des Étudiants annamites), Victor Tardieu tìm đến Hội quán ở số 9 phố Vọng Đức, Hà Nội và gặp họa sĩ Nam Sơn đang giúp trang trí cho Hội quán. Thời điểm đó, Nam Sơn đã là họa sĩ minh họa báo chí nổi tiếng trên các tờ như: Nam Phong tạp chí, Đông Dương tạp chí và đang là công chức Sở Tài chính Đông Dương (Direction des Finances).

Ông An Kiều - con trai thứ của họa sư Nam Sơn cho biết: “cha tôi đứng làm mẫu vẽ cho họa sĩ Victor Tardieu. Rồi cũng chính cha tôi đi mượn phẩm phục triều đình để Victor Tardieu vẽ. Những người mẫu nữ cũng do cha tôi tìm cho Victor Tardieu. Điều đặc biệt ít ai biết là trong bức tranh lớn này có cả hình nhìn nghiêng của họa sĩ Victor Tardieu (đội mũ) và con trai là nhà thơ Jean Tardieu ở phần giữa phía trên bức tranh. Chính họa sĩ Nam Sơn đã vẽ khuôn mặt nhìn nghiêng của hai cha con họa sĩ Victor Tardieu. Còn hình ảnh bác sĩ khám bệnh và người soi kính hiển vi là khuôn mặt của Nam Sơn”.

Nam Sơn đưa Victor Tardieu đi thăm chùa, đền, miếu, danh lam để ông hiểu hơn về văn hóa Việt Nam và đã có việc tiếp biến văn hóa Pháp - Việt. Vì thế, trung tâm bức tranh có tam quan lớn đề đôi câu đối chữ Nho (Nam Sơn viết tiếp câu của Tiến sĩ Thân Nhân Trung): Nhân tài quốc gia chi nguyên khí/ Đại học giáo hóa chi bản nguyên (Nhân tài là nguyên khí quốc gia/ Đại học là gốc của giáo hóa)…

…đến đề đạt táo bạo

Năm 1923, Nam Sơn đề đạt ý tưởng với Victor Tardieu về việc thành lập một trường mỹ thuật, vì người Việt Nam rất khéo tay, không thua kém gì người Âu châu; ông An Kiều vẫn lưu giữ được bản đề cương “Mỹ thuật Việt Nam” viết tay năm 1923 của họa sĩ Nam Sơn. Trong đó, Nam Sơn không chỉ nêu việc cần thiết phải lập nên một trường đại học mỹ thuật gồm tới “7 ban”, mà còn phân tích thấu đáo sở trường, sở đoản của hội họa phương Đông, phương Tây. Việc học nhằm đạt tới mục đích “tạo nên một nền nghệ thuật cho quốc gia Việt Nam”. Nam Sơn còn tiên đoán: “cứ như thế tuần tự mà tiến độ mươi, hai, ba mươi năm, quốc thuật của nước Nam sẽ hình thành”. 

Hiệu trưởng Victor Tardieu (ngồi thứ 4 từ trái qua), họa sư Nam Sơn (ngồi đầu tiên bên phải) cùng thầy trò Trường Mỹ thuật Đông Dương - Ảnh tư liệu
Hiệu trưởng Victor Tardieu (ngồi thứ 4 từ trái qua), họa sư Nam Sơn (ngồi đầu tiên bên phải) cùng thầy trò Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ảnh tư liệu

Ban đầu, họa sĩ Victor Tardieu chưa đồng ý, vì cho rằng kỹ thuật vẽ sơn dầu là của châu Âu, người Việt Nam chưa thể thực hiện được vì người Việt Nam chỉ quen vẽ trên lụa, trên giấy tuyên chỉ (thấm nước). Họa sĩ Nam Sơn bèn cho Victor Tardieu xem tác phẩm sơn dầu “Chân dung nhà Nho xứ Bắc” vẽ nhà Nho Nguyễn Sĩ Đức - người thầy chữ Nho và hội họa Á Đông của mình. Bức tranh thể hiện một bút pháp già dặn, bố cục chặt chẽ, chịu ảnh hưởng của trường phái Tân cổ điển vì đã sử dụng cả các màu xanh da trời, tím, xanh lá cây, điêu luyện không kém gì một họa sĩ châu Âu. 

Victor Tardieu kinh ngạc trước bức tranh “Chân dung nhà Nho xứ Bắc” của Nam Sơn, một thanh niên Việt Nam chưa từng sang Âu châu học vẽ. Do đó, ông nhất trí sẽ thuyết phục chính quyền Pháp và Đông Dương về ý tưởng thành lập trường mỹ thuật của Nam Sơn.

Trường Mỹ thuật Đông Dương đã sản sinh ra nhiều đại thụ của nền mỹ thuật Việt Nam. Ngoài họa sư Nam Sơn được đặt tên phố ở thủ đô Hà Nội còn có các học trò như: Nguyễn Phan Chánh, Bùi Trang Chước - tác giả Quốc huy Việt Nam, Văn Cao - tác giả Quốc ca Việt Nam, Tô Ngọc Vân - Hiệu trưởng đầu tiên Khóa mỹ thuật kháng chiến, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp…

Ngày 27.10.1924, Toàn quyền Đông Dương Merlin ra Nghị định thành lập trường. Victor Tardieu là hiệu trưởng.

Trước khi mở trường, Victor Tardieu đưa Nam Sơn sang Pháp và ở lại nhà mình. Hàng ngày, buổi sáng Nam Sơn đến tu nghiệp ở Trường Mỹ thuật Quốc gia trong xưởng họa của Viện sĩ Jean Pierre Laurens (1875 - 1933, học trò của Ingres); buổi chiều đến Trường Nghệ thuật Trang trí Quốc gia trong xưởng họa của Félix Aubert (1866 - 1940); buổi tối, Nam Sơn học thêm về điêu khắc. Ngày Chủ nhật đi thăm các bảo tàng, thư viện… Tại xưởng vẽ của danh họa Félix Aubert, Nam Sơn đã gặp và thuyết phục được họa sĩ Joseph Inguimberty sang Việt Nam giảng dạy.

Nói về vai trò đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, trong cuốn “Những trường mỹ thuật Đông Dương” (Les Écoles d’art de L’Indochine) do Toàn quyền Đông Dương xuất bản tại Hà Nội năm 1937, lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội ký hiệu M 10692, trang 16 có ghi rõ: “Việc giảng dạy môn đồ họa và trang trí do một giáo sư chuyên ngành bậc 2, ông Nam Sơn - một trong hai người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương đảm nhiệm; ông Nam Sơn đã đạt được nhiều thành tựu trong việc đào tạo, giáo dục và góp một phần quan trọng trong việc phục hưng nền mỹ thuật truyền thống An Nam, đó cũng là chủ thuyết và hiến chương của nhà trường”. 

Đến lịch tuyển sinh, Victor Tardieu bị ốm ở lại Pháp, do đó Nam Sơn và Joseph Inguimberty về Việt Nam trước. Họa sĩ Nam Sơn vừa ra đề, vừa trông thi và chấm điểm. Khóa 1 có 272 thí sinh trên toàn Đông Dương dự tuyển, lấy đỗ 8 người là: Nguyễn Tường Tam, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, Nguyễn Phan Chánh, Georges Khánh, Lê Ang Phan. Sau đó, Nguyễn Tường Tam đi Pháp và Lê Ang Phan bỏ dở, còn lại 6 người tốt nghiệp, Lê Phổ là quán quân. 

Văn hóa - Thể thao

Trường Mỹ thuật Đông Dương - Nền móng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại
Văn hóa - Thể thao

Trường Mỹ thuật Đông Dương - Nền móng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại

Hào quang rực rỡ của Trường Mỹ thuật Đông Dương đến nay vẫn là dấu ấn lớn trong nền nghệ thuật dân tộc. Từ đây, Việt Nam có thêm cầu nối giữa nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật nhân loại, hình thành các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc tên tuổi cho nền mỹ thuật tạo hình.

Bảo đảm chặt chẽ, phù hợp thực tiễn
Văn hóa - Thể thao

Bảo đảm chặt chẽ, phù hợp thực tiễn

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, nhiều quy định trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được rà soát, chỉnh lý bám sát các mục tiêu, quan điểm, chính sách lớn; đồng thời bảo đảm phù hợp với thực tiễn, chặt chẽ song vẫn tạo thuận lợi cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai
Văn hóa - Thể thao

Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 diễn ra từ ngày 9 - 17.11 đi qua nhiều di tích lịch sử và công trình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô. Trong đó, Cung Thiếu nhi Hà Nội được định vị như "trái tim" của tuyến lễ hội, tập trung nhiều hoạt động chính.