Kiến nghị xử lý tài chính khoảng 740.000 tỷ đồng
Cách đây 30 năm, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) được thành lập theo Nghị định 70/CP ngày 11.7.1994 của Chính phủ. Tháng 1.1995, Thủ tướng ký Quyết định số 61-TTg ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động của KTNN. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, KTNN Hoàng Phú Thọ nhìn nhận, hai văn bản này có giá trị như “tuyên ngôn khai sinh KTNN”, qua đó tạo bước phát triển lớn cho hệ thống các công cụ kiểm tra và kiểm soát tài chính của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước cũng như tăng cường năng lực tài chính quốc gia.
Năm 2005, địa vị pháp lý của KTNN được luật định khi Luật KTNN được ban hành, tạo bước ngoặt quan trọng giúp nâng cao địa vị pháp lý của KTNN. Theo đó, KTNN là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Đặc biệt, năm 2013, lần đầu tiên, địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN được quy định trong Hiến pháp. Sự kiện được đánh giá là mốc son lịch sử trong hành trình kiến tạo, xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho KTNN.
So sánh với các quốc gia trên thế giới có lịch sử KTNN từ hàng trăm năm, KTNN Việt Nam ra đời muộn hơn, với muôn vàn khó khăn, từ nhân lực đến cơ sở vật chất làm việc. Nguyên Tổng KTNN Đỗ Bình Dương nhớ lại, thời điểm năm 2000, khi ông được điều chuyển về công tác tại KTNN, “một phòng 20 người chỉ có 10m2”, cơ sở vật chất cho kiểm toán viên hầu như không có, phải đi mượn… Khó khăn là thế, song đội ngũ cán bộ, công chức KTNN đều hăng say công tác, ý thức tổ chức kỷ luật tốt. Chính trong khó khăn đó càng tôi luyện KTNN trưởng thành nhanh hơn, nguyên Tổng KTNN Đỗ Bình Dương đúc kết.
Đến nay, sau 30 năm hình thành và phát triển, KTNN đã có nhiều bước chuyển mình đột phá, với 32 đơn vị cấp vụ và tương đương cùng hơn 2.000 công chức, viên chức, người lao động. KTNN đã thực hiện khoảng 3.600 cuộc kiểm toán, phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính khoảng 740.000 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng trên 40% tổng số kiến nghị kiểm toán.
KTNN cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ trên 2.200 văn bản; kịp thời khắc phục lỗ hổng về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Minh Nam, những kiến nghị của KTNN về hoàn thiện văn bản pháp luật, hoàn thiện chính sách dựa trên nền tảng quy định pháp luật, bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn, được xem xét dưới góc nhìn của các nhà chuyên môn. Do vậy, nếu được các cơ quan thực hiện khắc phục kịp thời sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý.
Hoạt động kiểm toán góp phần định hướng sự phát triển
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh, hoạt động của KTNN luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các cấp chính quyền địa phương đánh giá đúng lợi thế, ưu điểm cũng như tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành; tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo thời gian, tần suất các cuộc kiểm toán không tăng, nhưng quy mô cuộc kiểm toán được lồng ghép các chuyên đề sâu, phù hợp thực tiễn, tính thời sự được xã hội quan tâm, chất lượng hoạt động kiểm toán được nâng lên. Nhiều cuộc kiểm toán đi sâu đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; đưa ra những ý kiến tư vấn thiết thực định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Từ kết quả kiểm toán, đã kiến nghị tăng thu cho ngân sách nhà nước trên địa bàn; giảm chi, tiết kiệm ngân sách nhà nước, tạo thêm nguồn lực tài chính cho địa phương.
Quan trọng hơn, ông Ánh chỉ ra, hoạt động kiểm toán giúp các đơn vị được kiểm toán đã và đang khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý điều hành ngân sách, quản lý dự án đầu tư, hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; giúp HĐND các cấp có thông tin tin cậy để giám sát công tác quản lý tài chính, ngân sách ở địa phương; giúp các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp nhà nước điều chỉnh, uốn nắn kịp thời những sai sót trong công tác quản lý.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh bổ sung, thời gian qua, KTNN đã triển khai hàng chục đoàn kiểm toán tại ủy ban cũng như tại các doanh nghiệp nhà nước. KTNN đã đưa ra những kiến nghị xác đáng và có tính thực tiễn cao, giúp ủy ban quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn và tài sản Nhà nước. Các thông tin của KTNN cũng góp phần giúp ủy ban và các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước đưa ra quyết định đúng đắn trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn; ông bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được nhiều khuyến nghị hiệu quả và thiết thực từ KTNN trong thời gian tới để giúp ủy ban thực hiện tốt hoạt động quản lý vốn và tài sản, góp phần vào phát triển đất nước.
Không chỉ đóng góp hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành ngân sách, tài chính công, tài sản công, hoạt động của KTNN còn giúp địa phương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi xác nhận.
Cụ thể, KTNN đã phối hợp với tỉnh tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu dân cử; xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của KTNN, của HĐND và UBND tỉnh. Thời gian tới, chúng tôi rất mong KTNN tiếp tục giúp địa phương mở các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn; giúp các sở, ngành, địa phương nắm được những lĩnh vực phức tạp như Luật Đất đai, tài sản công, các vấn đề liên quan môi trường, khoáng sản… ông Thi đề xuất.