
Con số tuyệt đối bội chi ngày càng tăng cao
Theo thống kê từ năm 2001 đến nay, do phải kích cầu đầu tư nên ngân sách nhà nước (NSNN) đã chi một lượng tiền lớn ra lưu thông nên tốc độ tăng bội chi NSNN là khá cao, ở mức 17- 18%. Cụ thể, mức bội chi ngân sách năm 2006 vào khoảng 48,5 nghìn tỷ đồng, thì năm 2007 tăng lên 83,4 nghìn tỷ đồng. Theo lý thuyết về tổng cầu của nhà kinh tế học Keyness, tăng chi NSNN để kích thích tiêu dùng và tăng cầu tiêu dùng sẽ kích thích đầu tư phát triển, góp phần đưa đến tăng trưởng cao. Một vấn đề rất logic và đã được thừa nhận. Tuy nhiên, nếu tăng chi quá mức cho phép, tức là tăng chi đến mức làm cho thâm hụt ngân sách nhà nước ở mức cao và để bù đắp thâm hụt này, Chính phủ sẽ phải huy động từ nguồn vay trong nước và vay nợ nước ngoài. Kết quả là đưa đến kích thích tiêu dùng quá lớn thì ở chu kỳ sau sẽ tăng tỷ lệ lạm phát mà lạm phát cao lại làm giảm đầu tư và hệ quả tất yếu là giảm mục tiêu tăng trưởng. Đây là thực trạng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam.
Không thể hiện đúng bản chất
Nguyên nhân của lạm phát cao về cơ bản có một phần quan trọng là do chính sách tài khóa lỏng lẻo mà thể hiện ở bội chi NSNN tăng liên tục qua các năm. Tuy nhiên, cách tính bội chi ngân sách hiện nay đã không thể hiện đúng bản chất vấn đề của bội chi, và thực tế con số bội chi ngày càng tăng cao. Theo chuyên gia tư vấn quốc tế Jitendra Modi, mức bội chi ngân sách của Việt Nam năm 2007 nếu tính theo thông lệ quốc tế phải là 6,9% GDP, thay vì con số xấp xỉ 5% GDP như báo cáo của Chính phủ trước QH. Chỉ cần làm phép tính đơn giản có thể thấy rằng, mức độ chênh lệch về thâm hụt ngân sách giữa hai cách tính là gần 2% GDP, nếu quy đổi ra con số tuyệt đối sẽ là hàng nghìn tỷ đồng. Một con số sẽ là rất lớn trong điều kiện phải kiểm soát và thắt chặt chi tiêu ngân sách. Vậy tại sao lại có sự khác nhau này? Vấn đề mấu chốt được xác định theo thông lệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là bổ sung thêm một số nội dung về các nhiệm vụ chi ngân sách của nước ta, gồm: Đầu tư vốn theo nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA; Các hoạt động đầu tư do ngân hàng phát triển Việt Nam hỗ trợ; Cho vay bằng hình thức trái phiếu ưu đãi và chi đầu tư ngoài ngân sách- đây các khoản chi lớn không được đưa vào cân đối ngân sách hàng năm. Đồng thời, cách tính của IMF tách rời những ảnh hưởng của khu vực dầu khí với các khu vực khác nhằm mục đích theo dõi tình hình nếu Việt Nam không thu được lợi từ việc giá dầu leo thang trên thị trường thế giới. Đồng tình với quan điểm này, Vụ trưởng Vụ Tài chính- Tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quốc Lý khẳng định, nếu chỉ xem xét bội chi NSNN so với GDP thì chưa thấy hết mức tăng chi tiêu của Chính phủ, đặc biệt những năm gần đây, ngoài NSNN được cân đối thì đã có một lượng vốn lớn được đầu tư ra các công trình giao thông và thủy lợi thông qua hình thức phát hành trái phiếu chính phủ không cân đối vào NSNN. Ngoài ra, phải kể đến lượng công trái giáo dục được phát hành để thu hút tiền cho đầu tư kiên cố hóa trường học cũng là lượng tiền lớn cân đối ngoài NSNN. Nếu cộng cả hai loại trên vào cân đối NSNN thì bội chi NSNN trong những năm qua không phải chỉ là 5% GDP.
Thực tế trong những năm qua, lượng vay tiền từ bên ngoài vào nền kinh tế nước ta qua để bù đắp thâm hụt ngân sách chiếm khoảng 1/3 số thâm hụt, tức là khoảng 1,5- 1,7% GDP. Nếu cộng thêm cả phần vay về cho vay lại (phát hành trái phiếu chính phủ quốc tế) thì lượng tiền từ bên ngoài vào nền kinh tế nước ta qua bồi đắp thâm hụt NSNN khoảng 2,3 – 3% GDP. Đây chính là nguyên nhân gây ra lạm phát cao trong năm 2007 và các tháng đầu năm 2008. Còn phần bù đắp thâm hụt NSNN từ nguồn vay trong nước về cơ bản chỉ thu tiền từ trong lưu thông vào NSNN và sau đó lại chuyển ra lưu thông nên không làm tăng lượng tiền cơ bản trên thị trường mà chỉ làm cho vòng quay tiền tệ có thể tăng nhanh hơn, tạo hệ số nở tiền cao hơn mức cần thiết. Điều này cũng có tác động một phần gây ra lạm phát nhưng không lớn bằng trực tiếp phát hành tiền ra và vay vốn từ bên ngoài để bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước.
Từ sự khác nhau về cách tính mức bội chi ngân sách giữa Việt Nam với thông lệ quốc tế, vấn đề đặt ra là nên áp dụng cách tính của IMF hay vẫn duy trình cách tính “của riêng Việt Nam”? Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Viết Ngoạn cho rằng, không nhất thiết phải tranh luận nhiều mà Việt Nam nên áp dụng các chuẩn mực của tổ chức tài chính quốc tế. Điều đó chỉ tốt cho nền kinh tế vì sẽ tạo thuận lợi để so sánh mức bội chi của nước ta với các nước, cũng như để xác định mức độ an toàn về nợ Chính phủ khi xem xét cân đối kinh tế vĩ mô. Việc áp dụng chuẩn mực quốc tế sẽ tạo lòng tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế về tính minh bạch trong quản lý kinh tế của Việt Nam. Nhưng có lẽ rằng, quan trọng hơn là sẽ làm rõ được bản chất của thâm hụt ngân sách. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với QH, giúp các ĐBQH nắm bắt thông tin và có căn cứ để thảo luận trước khi thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm do Chính phủ trình.
Kiểm soát bội chi theo hướng nào?
Thâm hụt ngân sách cao và kéo dài làm xói mòn niềm tin đối với đối với năng lực điều hành vĩ mô của Chính phủ. Đồng thời làm tăng mức lạm phát kỳ vọng và đe dọa sự ổn định vĩ mô, do vậy khó duy trì tăng trưởng cao và bền vững của nền kinh tế. Đặt trong bối cảnh chống lạm phát nên chính sách tài khóa của Chính phủ trong năm nay chỉ hướng đến mục đích giảm chi tiêu công, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư công. Trên diễn đàn QH, khi thảo luận về các nhiệm vụ phát triển KT- XH hàng năm, các ĐBQH luôn bày tỏ lo ngại về tính hiệu quả của các dự án công, đó là còn tình trạng lãng phí, đầu tư dàn trải, thi công kéo dài - đây là những yếu tố quan trọng gây ra lạm phát, song chưa được nhìn nhận một cách thẳng thắn.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, chính sách giảm chi tiêu công là hoàn toàn đúng đắn, song nỗ lực này của Chính phủ sẽ phụ thuộc vào sự quyết tâm trong công tác cải cách quản lý chi tiêu công. Thay vì chờ lạm phát bùng nổ mới rà soát lại các khoản chi như hiện tại thì cần phải thay đổi từ khâu lập ngân sách, từ việc thẩm định dự án công và cả việc nâng cao năng lực của cơ quan dân cử trong hoạt động lập pháp và giám sát NSNN. Bên cạnh đó, cùng với các giải pháp kinh tế, phải áp dụng các biện pháp hành chính thực sự mạnh tay, nếu không chỉ là hô hào suông vì thực tế là không ai tự vác đá ghè chân mình, điều đó có nghĩa là không có hoặc rất ít đơn vị tự rà soát và đề nghị xin cắt vốn đầu tư từ nguồn ngân sách. Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế trưởng của Tổ chức UNDP Hà Nội Jonathan Pincus đưa ra khuyến nghị được coi là quy tắc vàng trong việc kiểm soát đầu tư công là không đi vay để đầu tư vào những dự án không tạo ra nguồn thu, đồng thời phải phân tích lợi ích- chi phí đối với mọi dự án đầu tư công và phải công khai kết quả.
Xử lý vấn đề bội chi ngân sách cần bắt đầu từ nguyên nhân gây ra. Mặc dù đồng tình với các nguyên và giải pháp được đề cập tại Hội thảo, nhưng theo Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, những nội dung này là không mới nhưng vấn đề chính là Chính phủ thật sự có tinh thần cầu thị và tiếp thu những khuyến nghị đó hay không? Và đã đến lúc không thể để tái diễn mãi tình trạng nước chảy bèo trôi, lắng nghe nhưng không áp dụng vì các vấn đề này đã được Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH Khóa XI đề cập đến.
Ngọc Tuấn