Ngay từ giữa thế kỷ XIX, khi công nghệ nhiếp ảnh vừa ra đời không lâu, các nghệ sĩ thực hành nhiếp ảnh đã muốn khẳng định rằng nhiếp ảnh vượt lên trên một phát minh khoa học và là một phương thức của nghệ thuật cao cấp.
Tuy nhiên, trên hành trình chứng minh điều ấy, đã có nhiều quan điểm khác nhau về bản chất triết học của nhiếp ảnh, lối tiếp cận phương tiện này, và phong cách biểu hiện của tác phẩm. Trong đó, tranh cãi lớn đầu tiên là giữa Nhiếp ảnh như họa (Pictorialism Photography) và Nhiếp ảnh thuần túy (Pure Photography), những trường phái lớn đã để lại nhiều tác phẩm và công trình quan trọng hình thành nền tảng chung của nhiếp ảnh nghệ thuật.
Nhiếp ảnh như họa gắn liền với các từ khóa: đẹp (như tranh vẽ), tôn quý, thi vị, biểu tượng, phúng dụ, hiệu ứng hội họa, vươn tầm nghệ thuật cao cấp, các chủ đề nghệ thuật truyền thống. Trong khi đó, nhiếp ảnh thuần khiết gắn liền với các từ khóa: sự thật và chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự nhiên, sắc nét, tương phản, vượt lên chụp ảnh đơn thuần, tính chất cá nhân, cảm xúc cá nhân, phương tiện biểu đạt cá nhân.
Trong buổi trò chuyện, diễn giả Hương Mi Lê sẽ chia sẻ cùng khán giả những thông tin về buổi đầu của nhiếp ảnh nghệ thuật và quan điểm của cô về lịch sử cũng như soi chiếu nó để thử đánh giá hiện tại.
Hương Mi Lê là một nhà giáo dục, một dịch giả, và một tác giả. Hiện cô giảng dạy Lịch sử Thiết kế Đồ họa và Ký tự pháp tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, và là chủ mục Lịch sử thiết kế đồ hoạ tại iDesign...