Một ngày mùa thu năm 1961, khoa Kịch(1) chúng tôi tổ chức đi cắm trại bằng xe đạp tại chùa Thầy, một địa điểm quen thuộc cách Hà Nội về phía tây nam chừng 20 cây số... Mọi người háo hức, phần vì đây là chuyến dã ngoại đầu tiên sau khi nhập trường, phần vì nghe lỏm, hôm nay sẽ được diện kiến hai ông thầy mới từ Trung Quốc trở về. Dù lúc đó các thầy mới ở tuổi ngoài ba mươi một chút nhưng trong mắt lũ trò nhỏ chúng tôi, các thầy đã có vẻ già dặn lắm.
NSND Nguyễn Đình Nghi và vợ, NSƯT Mỹ Dung |
Cùng với thầy Đình Quang nghiêm cẩn, đạo mạo với cặp kính trắng bất di bất dịch trên sống mũi, ba ông thầy đã làm nên thế chân kiềng vững chắc, giúp chúng tôi sôi kinh nấu sử có hiệu quả.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên gặp thầy Nguyễn Đình Nghi tại buổi cắm trại ấy... Khác với thầy Ngô Y Linh sôi động trẻ trung pha mầu sắc lãng tử, thầy Nghi khép kín và ban đầu như có vẻ khó gần. Tôi dùng hai từ “ban đầu” vì sau này khi đã thọ giáo thầy, tôi mới nhận thấy, đằng sau dáng vẻ ấy là một tâm hồn nhạy cảm dễ xúc động.
Sau những phút rụt rè ban đầu, thầy trò nhanh chóng làm quen với nhau. Thậm chí, nhìn thấy chiếc máy ảnh trên vai thầy (một vật dụng cá nhân hiếm hoi hồi đó, phần lớn những người đi du học hoặc công tác ở nước ngoài về mới có), bọn tôi còn xúm vào đòi được chụp ảnh. Tấm ảnh đen trắng có tuổi thọ hơn nửa thế kỷ của tôi và Mỹ Dung dưới một gốc cây cổ thụ ven chùa Thầy năm đó, không ngờ lại trở thành kỷ niệm tình yêu đáng quý của Mỹ Dung, cô bạn tri kỷ của tôi – hơn bốn năm sau, khi đã tốt nghiệp khoa Kịch khoảng một năm, Mỹ Dung trở thành phu nhân của thầy.
Năm 1959, ba mươi mốt tuổi, sau khi tốt nghiệp xuất sắc khóa đạo diễn (1954-1959) tại Hí khúc học viện Bắc Kinh, thầy Nguyễn Đình Nghi được giữ lại làm thực tập sinh cao cấp tại Viện nghiên cứu hí khúc truyền thống.
Ông trở về nước khoảng giữa năm 1961, cùng với thầy Ngô Y Linh. Hai người được cử về tiếp sức với thầy Đình Quang trong việc đào tạo khóa học sinh diễn viên kịch đầu tiên của trường Điện ảnh và Sân khấu Việt Nam vừa được khai giảng tháng hai năm đó. Phần lớn học sinh khóa ấy đã trở thành những tên tuổi của sân khấu nước nhà. Không ít người còn trở lại đứng trên bục giảng, đào tạo nhiều thế hệ diễn viên sau này.
Cùng với việc trực tiếp giảng dạy tại lớp diễn viên và lớp đạo diễn của khoa Kịch với những vở diễn nằm trong chương trình biểu diễn ăn khách của trường sân khấu: trích đoạn Âm mưu và Tình yêu, Ông Năm Hạng, Người vợ, Vợ anh ta đến... ông còn tham gia dàn dựng thành công nhiều tiết mục tại các đoàn nghệ thuật. Nhiều năm sau này, người xem còn nhớ mãi Tiếng sấm Tây Nguyên, vở diễn nổi tiếng của Đoàn dân ca kịch Liên khu 5, thập kỷ 60-70 thế kỷ trước.
Năm 1967, tạm biệt người vợ trẻ và cậu con trai đầu chưa tròn năm, thầy lên đường đến Liên Xô, điểm sáng mơ ước của những người làm sân khấu Việt Nam lúc đó để theo học cao học tại Học viện nghệ thuật sân khấu Matxkơva. Bốn năm sau, 1971, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ với đề tài mà ông đã dày công nghiên cứu: Những nguyên tắc cơ bản của sân khấu truyền thống Việt Nam.
Sau khi tu nghiệp trở về, những kiến thức tiên tiến về nghệ thuật sân khấu mà ông vừa lĩnh hội được ở đất nước Liên Xô anh em, kết hợp với những trải nghiệm về sân khấu cổ truyền, đã được ông áp dụng có hiệu quả trong dàn dựng những vở diễn giai đoạn này. Những người làm sân khấu và khán giả yêu sân khấu của cả nước hẳn không thể quên những đóng góp to lớn của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi với dàn kịch mục đồ sộ của ông.
Một số vở diễn thời kỳ này của ông đã gặp những dư luận trái chiều: Âm mưu và hậu quả (1971 - tác giả Bửu Tiến), Hình và bóng (1976 - tác giả Thùy Linh, Hoàng Yến), Êdôp (1976 – kịch bản A. Fighêrêđô), Hoa cúc xanh trên đầm lầy (1987 – tác giả Lưu Quang Vũ)... Nhưng cuối cùng, cái tâm trong sáng và lòng tận tụy với nghề của ông đã hóa giải tất cả những luồng dư luận không chính thống và cùng với những Đại đội trưởng của tôi (1974 – tác giả Đào Hồng Cẩm), Tổ quốc (1976 – tác giả Đào Hồng Cẩm, Xuân Đức), Đỉnh cao phía trước (1978 – tác giả Tào Mạt), Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1980 – tác giả Nguyễn Đình Thi), Nguồn sáng trong đời (1985 – tác giả Lưu Quang Vũ), rồi Nghêu Sò Ốc Hến, Vũ Như Tô, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Rừng trúc... đã trở thành những tác phẩm đáng ghi nhận của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi.
NSND Nguyễn Đình Nghi sinh ngày 12.12.1928 tại Kiến An, Hải Phòng. Quê nội: làng Phù Đổng, Tiên Du, Bắc Ninh. Ông là con trai đầu của nhà thơ, nhà hoạt động sân khấu Thế Lữ. Năm 1950, ông theo gia đình tham gia kháng chiến tại Việt Bắc, gia nhập Đoàn kịch Chiến Thắng mà nhà thơ Thế Lữ là người sáng lập. Ông qua đời ngày 9.2.2001. |
Người viết bài này là học trò, đã được ông trực tiếp giảng dạy qua nhiều bài học: Cơ sở trắng (1964 – tác giả Hoài Giao), Hình và bóng,Êdôp, Hoa cúc xanh trên đầm lầy... với những vai diễn được khẳng định, những bài học kinh điển về diễn xuất và xây dựng nhân vật. Những điều đó đã trở thành cẩm nang nghề nghiệp mỗi khi tôi có dịp đứng trên bục giảng đào tạo học sinh. Cảm ơn ông vì đã chọn tôi vào vai diễn Klêa, vở Êdôp(2), nhân vật mà nhiều nữ nghệ sỹ thập kỷ 1970-1980 mơ ước được thể hiện.
Sinh thời ông, lần nào có dịp từ Hải Phòng về Hà Nội, tôi cũng ghé thăm thầy. Phần vì vợ ông vốn là bạn học của tôi từ hồi để chỏm, phần vì mỗi lần gặp, tôi lại được lĩnh hội từ ông những kiến thức mới mẻ mà ông thường xuyên cập nhật... Sau mỗi lần như thế, tôi lại thấy hiểu biết của mình được bổ sung đầy đặn thêm biết bao điều.
Thấm thoắt, ông qua đời đã hơn mười một năm, để lại gia tài đồ sộ những vở diễn nổi tiếng mà Rừng trúc của Nhà hát Tuổi Trẻ là vở diễn cuối cùng. Tài năng của ông đã được khẳng định qua những vở diễn được ông dàn dựng thành công với bao nhiêu tâm huyết.
Khép lại bài viết này, tôi muốn dẫn lời của Lorelle Browning nhà hoạt động sân khấu người Mỹ trong tổ chức VATE (Vietnam American Theatre Exchange – Giao lưu sân khấu Việt Mỹ): “... Tôi bắt đầu hiểu ra rằng: tôi cần học nhiều ở ông Nguyễn Đình Nghi. Ông là một nghệ sỹ, một nghệ nhân và một pho lịch sử sống của kịch nói”.
______________________
1. Trường Điện ảnh và Sân khấu VN, khóa 1.
2. Đoàn Kịch Hải Phòng biểu diễn, 1976.