Nhiều địa phương chưa bố trí quỹ đất
Trang trại gà của ông Lê Văn Quyết tại xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, Đồng Nai rộng hơn 1ha, được xây dựng gần 20 năm nay; trang trại hoạt động theo mô hình hợp tác xã, ứng dụng thiết bị tiên tiến và hiện là đơn vị duy nhất trong nước cung cấp sản phẩm nguyên liệu cho chuỗi xuất khẩu thịt gà sang thị trường Nhật Bản. Hàng tháng, trang trại giải quyết việc làm cho hơn 20 thành viên hợp tác xã.
Do nằm trong quy hoạch đất ở nông thôn nên theo quy định của Luật Chăn nuôi 2018, trước ngày 1.1.2025, trang trại buộc phải di dời. Tuy nhiên, đến nay, trang trại của ông Quyết vẫn hoạt động.
Lý giải điều này, ông Quyết cho biết hoàn toàn ủng hộ chủ trương di dời cơ sở chăn nuôi của UBND tỉnh Đồng Nai bởi sẽ góp phần xây dựng kinh tế - xã hội tại địa phương, song hiện khu đất này chưa có dự án cụ thể, khả thi, cũng chưa có nhà đầu tư mới; trang trại lại xa khu dân cư và luôn bảo đảm vấn đề về môi trường.
“Nếu buộc phải di dời mà để đất trống cho cỏ mọc sẽ rất lãng phí. Do đó, chúng tôi đã làm đơn đề nghị các cấp chính quyền xem xét tạo điều kiện cho trang trại tiếp tục hoạt động; đến khi có dự án cụ thể, có nhà đầu tư cùng thời gian thực hiện dự án cụ thể, chúng tôi sẵn sàng dời đi để dành quỹ đất họ. Điều này vừa không gây đứt gãy chuỗi chăn nuôi đang phục vụ xuất khẩu mà còn bảo đảm việc làm, thu nhập cho khoảng 20 lao động”, ông Quyết chia sẻ.
Theo Quyết định số 296/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có 3.006 cơ sở chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi; trong đó có 2.145 cơ sở di dời và 861 cơ sở ngưng chăn nuôi; lộ trình thực hiện chậm nhất là trước ngày 1.1.2025.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công cho biết, mới đây, các đơn vị liên quan trong tỉnh đã đi thẩm tra lại vấn đề môi trường, phân loại để buộc di dời các cơ sở không đáp ứng yêu cầu. Hiện, tỉnh vẫn chưa có văn bản chính thức.
Dù chưa có số liệu cụ thể, song theo ông Công, việc di dời đang gặp nhiều khó khăn, lý do chính là Đồng Nai chưa có quỹ đất cho chăn nuôi. “Tỉnh gần như không cấp phép cho cơ sở chăn nuôi mới, cũng không có quỹ đất di dời cho các cơ sở hiện có”, ông Công nói.
Luật Chăn nuôi 2018 cấm chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường. Cơ sở chăn nuôi xây dựng và hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (1.1.2020) thuộc khu vực này thì trong thời hạn là 5 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp.
Hà Nội là một trong những địa phương đã rất quyết liệt trong thực hiện di dời cơ sở chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi. Từ tháng 7.2020, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn. Nhờ đó, thành phố đã đạt một số kết quả khả quan, từng bước giảm về số hộ chăn nuôi và số lượng gia súc, gia cầm tại các khu vực không được phép. Một số thị trấn giảm gần 100% về lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm như Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm), Đông Anh (huyện Đông Anh), Phùng (huyện Đan Phượng).
Dù vậy, TP. Hà Nội cũng gặp khó khăn trong việc bố trí quỹ đất và các thủ tục liên quan sau di dời. Vì thế, đến cuối năm 2023, trên địa bàn không được phép chăn nuôi của Hà Nội vẫn còn hơn 1.000 hộ chăn nuôi, với hơn 76.000 con gia súc, gia cầm.
Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương xác nhận, khó khăn về quỹ đất để di dời cơ sở chăn nuôi là tình trạng chung của nhiều địa phương hiện nay. Trong khi thời gian không còn nhiều, việc di dời hàng chục nghìn cơ sở chăn nuôi - cuộc “đại di dời” ngành nông nghiệp sẽ khó hoàn thành mục tiêu đề ra là trước ngày 1.1.2025, ông Dương lo ngại.
Có nên lùi thời hạn?
Điều đáng nói, Luật Chăn nuôi 2018 đã cho phép các địa phương cùng cơ sở chăn nuôi thời gian chuẩn bị ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp là 5 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành (1.1.2020). Song, nhiều địa phương vẫn triển khai chậm và nguy cơ lỡ hẹn. Vấn đề đặt ra là có nên lùi thời hạn?
Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương, việc có lùi thời hạn hay không nên là lựa chọn cuối cùng, sau khi đã triển khai một loạt giải pháp.
Ông Dương chỉ rõ, ngoài vấn đề quỹ đất, việc di dời cơ sở chăn nuôi chậm có nguyên nhân từ công tác tuyên truyền; bên cạnh đó, một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm tới vấn đề này nên đã thiếu quyết liệt trong triển khai thực hiện.
“Việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi là rất đúng đắn, mang tính chiến lược cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong dài hạn, bởi còn liên quan đến vấn đề môi trường, văn hóa, du lịch… Do đó, dù thời gian không còn nhiều song vẫn cần phải triển khai quyết liệt hơn nữa”, ông Nguyễn Xuân Dương đề nghị.
Theo ông Dương, việc cần làm lúc này là các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương cần có rà soát, tổng kết, đánh giá xem hiện có bao nhiêu cơ sở chăn nuôi buộc phải di dời; sắp xếp quỹ đất phù hợp; có cơ chế tài chính hỗ trợ cho các cơ sở này. Muốn vậy, cả ba ngành là nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, tài chính phải cùng vào cuộc. Song song với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân, các chủ cơ sở chăn nuôi để họ hiểu và đồng thuận với chính sách.
Đồng tình với đề xuất trên, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công bổ sung, với các cơ sở chăn nuôi trong khu vực buộc phải di dời nhưng nếu đất đó chưa có dự án cụ thể, nên tạo điều kiện cho trang trại này tiếp tục hoạt động cho đến khi có dự án; chỉ buộc di dời nếu vị trí đất đó đã có dự án.