Bảo đảm nguồn vốn cơ bản ổn định
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết: với phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”, “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, hàng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động, linh hoạt huy động có hiệu quả hàng chục nghìn tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân sách các địa phương, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và huy động của các tổ chức, cá nhân trên thị trường… bảo đảm nguồn vốn cơ bản ổn định để cung cấp tín dụng ưu đãi, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 31.7.2023 đạt trên 305.000 tỷ đồng, tăng gần 176.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 10%. Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 109.000 tỷ đồng, chiếm 35,7%/tổng dư nợ, với hơn 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo gần 30.000 tỷ đồng, chiếm 9,8%/tổng dư nợ, với gần 540.000 khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số trên 75.000 tỷ đồng, chiếm 24,7%/tổng dư nợ với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước qua các giai đoạn, cụ thể: giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%. Đồng thời, góp phần thực hiện 09/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới (về nhà ở dân cư; về thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo; lao động có việc làm, tổ chức sản xuất; giáo dục và đào tạo; môi trường và an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống chính trị; quốc phòng và an ninh).
Các chương trình tín dụng chính sách đã cung cấp nguồn lực thực hiện quan trọng và thật sự trở thành cấu phần bổ trợ tất yếu của các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) như: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Sử dụng đồng vốn hiệu quả
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá, tín dụng chính sách là một trong những công cụ, giải pháp quan trọng của Đảng và Nhà nước trong thực hiện 3 Chương trình MTQG. Cơ cấu nguồn vốn của chính sách tín dụng trong tổng nguồn vốn của từng chính sách cụ thể do Chính phủ ban hành ngày càng tăng; đối tượng cho vay, hạn mức, thời gian và lĩnh vực vay được mở rộng, giúp người dân được tiếp cận theo nhiều hình thức khác nhau.
Vốn tín dụng chính sách đã từng bước thay đổi tư duy nhận thức của người dân thông qua thiết kế chính sách dần từng bước chuyển từ cho không sang cho vay, người dân sử dụng đồng vốn hiệu quả giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số như đất ở, nhà ở, đất sản xuất, phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất; ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, được người dân hết sức đồng tình và hưởng ứng tích cực.
“Dưới tác động của chính sách nói chung, trong đó có chính sách tín dụng, vùng dân tộc thiểu số đã từng bước khắc phục những khó khăn, công tác giảm nghèo đạt được mục tiêu đề ra và trở thành hình mẫu, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Tín dụng chính sách cũng được coi là giải pháp quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh, các huyện, thành phố hàng năm cân đối nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được 198 tỷ đồng, chiếm 3,3%/tổng nguồn vốn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La, tăng 139 tỷ đồng so với năm 2014 từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.
Đến 30.6.2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La thực hiện 17 chương trình tín dụng chính sách xã hội với tổng dư nợ đạt 5.916 tỷ đồng, tăng 3.632 tỷ đồng so với năm 2014 (tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 40,35%). Từ năm 2014 đến 30.6.2023, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ trên 354.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.
Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4.10.2002 của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tỉnh Lai Châu cũng đã tập trung chỉ đạo huy động các nguồn lực tài chính, tạo lập nguồn vốn cơ bản đáp ứng nhu cầu vay của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội với chất lượng ngày càng được nâng cao; chỉ đạo triển khai mô hình quản lý tín dụng chính sách chặt chẽ với sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2004 đến nay, đóng góp trong tăng trưởng GRDP hàng năm bình quân trên 10%/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 6%/năm, bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng được 39/106 xã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần ổn định chính trị - xã hội, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, phát triển mô hình sản xuất tập trung như chăn nuôi đại gia súc, trồng trọt, bảo vệ khoanh nuôi tái sinh rừng...
Đặc biệt, “nhận thức của hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi tích cực, biết sử dụng nguồn vốn vay, tính toán hiệu quả trong sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm tính ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước, giúp hộ nghèo, hộ chính sách tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu Giàng A Tính cho biết.