Người xông nhà đầu năm

Bộ phim Nga Số phận trớ trêu hay là Chúc xông hơi nhẹ nhõm lên màn ảnh rộng ngày 16.8.1975 và bắt đầu cuộc trường chinh thú vị: ngay đêm giao thừa sang năm 1976 được phát trên sóng truyền hình toàn quốc, sau đó theo yêu cầu của đông đảo khán giả, trở thành nghi thức không thể thiếu hằng năm, để nhà nhà cùng vui vẻ đón giao thừa. Tác giả của bộ phim bất hủ đó là đạo diễn kiêm biên kịch Eldar Riazanov…

      Những địa chỉ giống hệt nhau từng con số từng con chữ, tuy ở hai thành phố khác nhau. Những căn hộ y chang với khóa, với chìa được sản xuất đồng loạt. Và những con người với bao tâm tư, khúc mắc... Bối cảnh xã hội ấy quả là tẻ nhạt, nhưng lại thành một yếu tố gây cười. Chuyện trong đêm giao thừa, anh bác sỹ Zenia (Andrey Miagkov) chui nhầm vào... giường của cô giáo dạy văn Nadia (nữ diễn viên Ba Lan Barbara Brylska) trong lúc chủ nhân đang chờ đón Ippolit, vị hôn phu theo hẹn - ấy là một bi kịch. Nhưng thói cả ghen của Ippolit và tính chân thành của Zenia lại đặt Nadia giữa hai cực để người đẹp này đi đến sự chọn lựa cuối cùng... 

Người xông nhà đầu năm ảnh 2

      Sinh năm 1927 tại Samara, ngay từ nhỏ, Eldar Riazanov đã mê đọc truyện, nuôi mộng trở thành nhà văn và chu du đây đó... Học xong phổ thông, Eldar liền đâm đơn vào trường Hàng hải Odessa, nhưng chiến tranh không cho phép chàng trai trẻ toại nguyện. Cũng là tình cờ, anh trở thành sinh viên năm thứ nhất trường Điện ảnh VGIK, theo học thầy G. M. Kozintzev (1905-1973) khi đó đã là đạo diễn danh tiếng thế giới. Một người thầy nữa rất đáng kể đến: Sergey Eisenshtein, người đã chú ý ngay đến cậu sinh viên Eldar Riazanov và để lại trong anh những ảnh hưởng to lớn. Năm 1950 Riazanov bảo vệ xuất sắc đề tài tốt nghiệp với bộ phim tài liệu Họ học tập tại Moskva (làm chung với Z. P. Fomina), rồi chuyên tâm làm phim tài liệu cho các tạp chí điện ảnh Tiền phong, Thể thao Xô Viết, Tin tức trong ngày. Nhiều sản phẩm của Riazanov đã trở thành phim trọn vẹn, trong đó phải kể đến những thiên phóng sự điện ảnh Con đường mang tên Tháng Mười (1951, cùng với L. Derbysheva), Những cuốn sách của bạn (làm chung với Z. Fomina), Krasnodar không xa (1953), Đảo Sakhalin (1954, làm chung với V. Katanian). Năm 1955, Riazanov sang làm đạo diễn xưởng Mosfilm và cùng với S. Gurov cho ra đời Những tiếng nói mùa xuân - bộ phim tài liệu màn ảnh rộng đầu tiên của điện ảnh Xô Viết có xen những cảnh do diễn viên thể hiện. Những tưởng thể nghiệm đầu tiên này sẽ được Riazanov tiếp tục, nào ngờ...

      Năm 1956, xưởng Mosfilm có nhà lãnh đạo vui tính mà cứng rắn: nhà làm phim hài lừng danh I. A. Pyriev. Vị thủ trưởng này kiên quyết chỉ đạo Riazanov tập trung vào thể loại hài, và thực tế đã chứng tỏ là ông sáng suốt: bộ phim hài đầu tay của Riazanov Dạ hội hóa trang ra đời năm 1956 thu được thành công chưa từng thấy, nhờ thế, diễn viên nổi tiếng Igor Vladimirovich Ilinsky có một trong số những vai diễn đạt nhất của đời mình – vai Ogurzov, và nữ diễn viên trẻ Liudmila Gurchenko bỗng trở thành ngôi sao điện ảnh; Còn ca khúc được nhạc sỹ A. Lepin viết cho phim thì phổ biến khắp cả nước. Đến bây giờ thật khó tin rằng thoạt đầu, Riazanov đã bốn lần từ chối làm Dạ hội hóa trang, nhưng may thay, đạo diễn trẻ đã không thể cưỡng lại sự áp đặt của Pyriev.

      Chỉ vài năm sau, Riazanov đã kịp chứng tỏ năng khiếu gây hài của mình giàu có đến nhường nào. Ông dàn dựng một loạt bộ phim hài, trữ tình có Cô gái không địa chỉ (1957), hào sảng có Bài ca Quận công (1962), chuyện thường nhật có Cho tôi cuốn sổ góp ý (1964), chuyện hy hữu có Những cuộc phiêu lưu khó tin của người Ý ở Nga (1974). Năm 1961 đạo diễn cho ra đời liền hai bộ phim châm biếm Robinson được tạo ra như thế nào (theo thiên truyện cùng tên của I. Ilf và E. Petrov) và Người chẳng tới đâu (1961). Bộ phim Người chẳng tới đâu giới thiệu một biệt tài của nghệ sỹ sân khấu lừng danh A. D. Papanov – bị định kiến là “không hợp với nghệ thuật thứ bảy”, nhưng ông đã lên màn ảnh với bốn vai diễn khác nhau! Đáng tiếc, tác phẩm này bị kiểm duyệt ách lại nên không đến được với công chúng rộng rãi – âu đó cũng là tai nạn nghề nghiệp dễ mắc phải của những nghệ sỹ chọc cười. Khi xây dựng Bài ca Quận công (theo kịch bản Ngày xửa ngày xưa của A. Gladkov), Riazanov cũng từng gặp khó khăn: ông thầy Pyrev phải thuyết trình với lãnh đạo ngành điện ảnh rất kỹ lưỡng mới có lệnh sản xuất, rồi thuyết phục được nghệ sỹ Yu. Yakovlev vào vai thi sỹ trào lộng Rzhevsky (1737-1804) và I. Ilinsky vào vai thống lĩnh Kutuzov. Trong bộ phim ấn tượng này, Riazanov đã thu gọn kịch bản nguyên gốc và viết thêm một số khổ thơ trào phúng khiến cho nhà văn A. Gladkov cũng... miễn thắc mắc.

      Năm 1960 bắt đầu hình thành một nhóm đồng chí đồng tâm của Riazanov với những nghệ sĩ tài năng bậc nhất.

      Có đầy đủ cơ sở để nói rằng một trong những bộ phim hay nhất của Riazanov là Xe hơi, hãy cẩn thận! (1966). Câu chuyện về nghệ sỹ nghiệp dư Yura Detochkin (diễn viên Innokenti Smoktunovsky) do làm nhân viên bảo hiểm mà biết rằng có những người làm ăn không lương thiện nhưng sống giàu có. Máu hiệp sỹ nổi lên, anh quyết định lấy cắp xe hơi của họ, bán lấy tiền chuyển hết cho một quỹ trẻ em. Sau mấy vụ, khi thành công, khi nín thở vì gặp nhiều trục trặc, anh bị người bạn diễn Maxim Podberezovich (diễn viên Olyog Efremov) theo dõi hành tung... Sự việc vỡ lở, Yura phải hầu tòa và thụ án, song ở đâu anh cũng được Maxim bênh vực, nên mãn hạn tù lại về với người yêu... Phim dựa trên cơ sở những chuyện tiếu lâm thành thị về một tay đua xe hơi, nhưng trong đó lại miêu tả chính xác tất cả các va chạm, xung đột đời sống, những tính cách và ngôn ngữ. Hàng loạt nhân vật, mỗi người một diện mạo, một tính cách riêng, được tạo nên bởi dàn diễn viên tuyệt vời: Smoktunovsky, E. Evstigniev, A. Papanov, A. Mironov, O. Efremov, O. Aroseva, G. Volchek... Thêm nữa, âm nhạc của A. P. Petrov đã làm cho bộ phim thực sự bất hủ.
      Tiếp đó, khán giả liên tiếp bị hút hồn bởi những bộ phim mới: Lắt léo của thành công (1968), Những lão tướng cướp (1972), Số phận trớ trêu hay là Chúc xông hơi nhẹ nhõm (1975, phim truyền hình), Chuyện tình công sở (1977), Nhà ga dành cho hai người (1982). Tài gây hài, lòng yêu đời, óc quan sát và nắm bắt các mối quan tâm của khán giả rộng rãi đã giúp Riazanov mở ra một thể loại mới trong điện ảnh – truyền thuyết phố phường. Những tình huống hy hữu, những câu chuyện thuộc diện lạ kỳ được nhà đạo diễn nhào quyện vào môi trường có thực, kết quả là khán giả nhận được một thành phẩm tổng hợp mang đủ cả tính ước lệ khái quát, đủ cả chất liệu đời thường. Nét đặc trưng trong phong cách của Riazanov là sự đan quyện giữa cái vui và cái buồn, giữa cái tức cười với cái đau xót, cho nên tác phẩm của ông được gắn liền với thể loại bi-hài kịch, phim ông bao giờ cũng tràn đầy âm nhạc và thi ca. Bộ phim Số phận trớ trêu hay là Chúc xông hơi nhẹ nhõm được chiếu liền tù tì ba chục năm vẫn không hề cũ! Hơn thế nữa, thành công bền vững của nó khiến các nhà làm phim Nga còn quyết định làm phần tiếp theo Số phận trớ trêu… Tuy nhiên, cho đến lúc này thì Riazanov nhường công việc đó cho kíp làm phim khác vì ông không muốn “tắm hai lần trên cùng một dòng sông”...


      Trong những đỉnh cao của Riazanov còn phải kể tới Chuyện tình công sở, với bối cảnh khô khan của một xí nghiệp kinh doanh, có cô giám đốc Liudmila (diễn viên Alisa Freindlich) cứng tuổi mà vẫn chưa hề cùng ai và anh nhân viên thống kê Anatoli (vẫn nam diễn viên Andrey Miagkov) gà trống nuôi con – qua đó diễn tả sự biến hóa diệu kỳ của tình yêu giữa những con người cùng say mê công việc. Một kiệt tác nữa chứng tỏ sức sáng tạo dồi dào của Riazanov – Nhà ga dành cho hai người với những đột biến dồn dập. Platon Riabinin (diễn viên Oliog Basilashvili), một nghệ sỹ dương cầm đang thụ án vì gây ra tai nạn, trước khi chuyển trại được cử ra làng, vừa để mượn đàn về cho trại, vừa để gặp vợ đến thăm nuôi. Dọc đường Platon gặp sự cố tại một ga tàu, nơi anh định làm cho ra nhẽ khi nhà ăn đường sắt phục vụ hành khách quá tồi, rồi anh bị giam chân tại ga, phải ngủ đậu, ăn nhờ, chơi đàn trong nhà hàng để được dùng bữa miễn phí... Tại đây anh gặp Vera – cô phục vụ nhà ăn vừa là thủ phạm của mọi sự rắc rối vừa là ân nhân giúp anh vượt mọi lao đao. Từ một nhân viên mậu dịch hách dịch chuyển hóa thành một cô gái đáng yêu, Vera chán ngấy gã người yêu cũ - một nhân viên đường sắt chuyên lo “đánh quả” - và cô giúp Platon có vé về nhà. Kết cục đã đến rất bất ngờ: người đến thăm nuôi Platon chính là cô bạn cùng chia sẻ buồn vui tại nhà ga dạo nọ... 
      Một nét nổi bật nữa trong sáng tạo của Riazanov: dám biểu thị thái độ phê phán sâu sắc đối với hiện thực đương thời - hai phim truyền hình Garage, 1979 và Về đức ngài, xin hãy nói một lời, 1980 chứng tỏ rõ điều đó. Cho đến cuối thập niên 1990, Riazanov vẫn dốc sức làm việc, năng nổ không kém ngày trước: ông làm phim Bản tình ca nghiệt ngã (1984, dựa theo vở kịch Cô gái không của hồi môn của A. N. Ostrovsky), tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi trên báo chí, và các bộ phim khác: Giai điệu lãng quên dành cho cây sáo (1987), Elena Sergeievna quý mến (1988), Những vùng trời hoang vắng (1991), Dự báo (1993), Chào nhé, gã khờ! (1997), Những quảng trường cổ, Những xoáy nước lặng (2000), Chìa khóa vào phòng ngủ (2003), Andersen –Tưởng tượng theo đề tài (2006). Năm 1984, Riazanov được phong danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân Liên Xô, hai lần được tặng giải thưởng Nhà nước Liên Xô: 1977 về phim Số phận trớ trêu, 1979 về phim Chuyện tình công sở; năm 2007 ông đoạt giải Triumph và nhiều giải của các liên hoan phim quốc tế Madrid, Delhi, Brussels... 
      Đạo diễn Riazanov là người biết tạo cho lớp trẻ giấy thông hành vào đời, và khám phá lại những diễn viên đã có danh tiếng, nên đồng nghiệp thích cộng tác với ông, khán giả sùng mộ ông. Cùng với điện ảnh, ông đồng thời tham gia nhiều lĩnh vực khác như một nhà văn, nhà soạn kịch: ông là đồng tác giả kịch bản cho phần lớn các bộ phim của mình, viết một số kịch bản sân khấu và còn xuất bản những cuốn sách Gương mặt buồn của hài kịch (1977), Lắt léo của thành công (1969, cùng với E. V. Braghinsky), Ấy là những bộ phim không nghiêm chỉnh (1977), Những chuyện không vui nực cười, Hài kịch cho điện ảnh truyền hình (1979, cùng với E. Braghinsky), Những kết quả chưa được liệt kê (1983, tái bản nhiều lần), Án mạng trong thư viện, Năm buổi tối với Vladimir Vysotsky, TV Eldar hay là Dàn chân dungcủa tôi, tập thơ Hoài cảm... Những năm 1979–1985, Riazanov cũng rất nổi tiếng với tư cách người dẫn chương trình truyền hình Toàn cảnh điện ảnh và làm hơn 200 chương trình truyền hình giới thiệu tác giả cùng một số chương trình nổi tiếng khác như Tám nàng trinh nữ, một mình tôi, Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Những cuộc đàm đạo giữa thiên nhiên tươi mới, Bí mật thành Paris của Eldar Riazanov, Cùng bàn về sự lạ của tình yêu (về những nhân vật kiệt xuất). Năm 2002, Riazanov trở thành Chủ tịch Viện Nghệ thuật Điện ảnh Nga Nika; Tháng 1.2005 khai trương Câu lạc bộ Điện ảnh Eldar Riazanov như một trung tâm độc nhất vô nhị về hài kịch Nga: trong ba phòng, lớn nhất có sức chứa 500 chỗ, thường xuyên tổ chức chiếu phim, diễn kịch, ca nhạc của các tác giả, đạo diễn Nga và quốc tế. Còn ở trường Điện ảnh, ông là giảng viên khoa cao học đào tạo các nhà biên kịch và đạo diễn, một số học trò của ông đã có danh tiếng như các đạo diễn Yu. Mamin, I. Dikhovichny, E. Tzimbal, I. Fridberg... Eldar Riazanov là con người xứng đáng được mời đến xông nhà đầu năm vì ông đã tạo ra cho mình một dòng điện ảnh riêng không trộn lẫn với ai.

Văn nghệ

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng
Văn nghệ

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng

Ngày 3.10, tại không gian nghệ thuật 34 Châu Long, Hà Nội đã diễn ra mạn đàm văn chương có chủ đề về văn hóa, tinh hoa trong văn thơ xưa và nay, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học; được chủ trì bởi nhà sưu tập Thúy Anh - người khởi xướng nhiều chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đậm đà tính nhân văn và hướng tới cộng đồng.

Trong bão lũ
Văn hóa - Thể thao

Trong bão lũ

Bài thơ "Trong bão lũ" của tác giả Đặng Quốc Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, là tiếng lòng đầy xót xa trước cảnh thiên tai khắc nghiệt do bão Yagi gây ra. Với ngôn từ sâu sắc, tác giả khắc họa nỗi đau mất mát của người dân và tinh thần đoàn kết, sẻ chia của đồng bào cả nước, tạo nên niềm tin vào sự hồi sinh và vững bền của quê hương Việt Nam.

Hơn 160 tác phẩm dự thi Giải thưởng Cánh diều vàng năm 2024 tại TP. Nha Trang
Văn nghệ

Hơn 160 tác phẩm dự thi Giải thưởng Cánh diều vàng năm 2024 tại TP. Nha Trang

Từ ngày 3 - 10.9, Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức Giải thưởng Cánh diều vàng 2024 tại TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, lễ công bố và trao giải Cánh diều vàng sẽ diễn ra vào tối 10.9, tại quảng trường Nhà hát Đỏ (thuộc dự án Vega City Nha Trang), giải thưởng thu hút hơn 160 tác phẩm điện ảnh, truyền hình, tài liệu, khoa học, hoạt hình, phim ngắn, công trình nghiên cứu - lý luận phê bình.

Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời: Ngân vang khúc tự hào Việt Nam tại Điều còn mãi 2024
Văn nghệ

Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời: Ngân vang khúc tự hào Việt Nam tại Điều còn mãi 2024

Chiều ngày 2.9, lần đầu tiên Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời vinh dự góp mặt trong chương trình hòa nhạc quốc gia “Điều còn mãi 2024” tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Olivier Ochanine, Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời đã ngân lên những giai điệu hào hùng, sâu lắng, góp phần làm sống lại những ký ức lịch sử hào hùng, khơi dậy tình yêu nước, lòng tự hào và khát vọng dân tộc Việt Nam.

Nghệ sĩ nổi tiếng thế giới góp mặt trong chương trình Hòa nhạc giao hưởng tháng Tám “Brilliance in Harmony”
Văn nghệ

Nghệ sĩ nổi tiếng thế giới góp mặt trong chương trình Hòa nhạc giao hưởng tháng Tám “Brilliance in Harmony”

Tháng Tám với nhiều ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước đã trở thành dịp đặc biệt thường niên truyền động lực và cảm hứng để Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời (SSO) phối hợp với Nhà hát Hồ Gươm tổ chức các sự kiện hòa nhạc giao hưởng quốc tế. Năm nay, chương trình Hòa nhạc giao hưởng Tháng Tám với chủ đề “Brilliance in Harmony: A Night of Musical Mastery” sẽ diễn ra vào tối 16.8.2024 với sự góp mặt của nghệ sĩ nổi tiếng thế giới và Việt Nam.

Nhiều người bật khóc khi nghe Anh Thơ hát “Một đời là sen ngát” về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Văn nghệ

Nhiều người bật khóc khi nghe Anh Thơ hát “Một đời là sen ngát” về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Những ngày qua, trong niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều nhạc sĩ chuyên và không chuyên đã viết nhiều bài hát để bày tỏ tình cảm của mình với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều bài hát đã mang lại những cảm xúc đặc biệt cho người nghe.

Sôi động lễ hội vũ đạo ngoài trời tại Quảng trường Lâm viên – Đà Lạt
Văn nghệ

Sôi động lễ hội vũ đạo ngoài trời tại Quảng trường Lâm viên – Đà Lạt

Với chủ đề “Be You, Be Unique - khẳng định chất tôi”, sân khấu DaLat Best Dance Crew Hoa Sen Home Internatinonal Cup một lần nữa quay trở lại với 12 màn trình diễn đa sắc màu tại đêm chung kết đầy hấp dẫn, lôi cuốn từ các đội thi trong nước và quốc tế thu hút hàng nghìn khán giả đến với Quảng trường Lâm viên, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cũng như trên sóng các nền tảng truyền hình trực tiếp. 

ABBANK đồng hành cùng dàn nhạc giao hưởng trẻ thế giới lưu diễn tại Việt Nam
Văn nghệ

ABBANK đồng hành cùng dàn nhạc giao hưởng trẻ thế giới lưu diễn tại Việt Nam

Với mong muốn chung tay đưa âm nhạc hàn lâm – tinh hoa lịch sử âm nhạc của nhân loại và dân tộc tới gần hơn nữa với công chúng trong nước, cũng như chắp cánh cho những tài năng giao hưởng Việt vươn ra thế giới, ABBANK đồng hành cùng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức dự án “Âm thanh của tình anh em” (Sounds of Brotherhood) với hai đêm công diễn tại Hà Nội vào tối ngày 06 & 10.4.2024. Chương trình quy tụ sự góp mặt của 41 nghệ sỹ đến từ 20 quốc gia của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Thế giới (World Youth Orchestra – WYO) và 33 tài năng trẻ đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Dàn nhạc giao hưởng Trẻ HVANQGVN – VNAMYO)