Luật sư Nguyễn Hoàng Thịnh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:
Tổ chức, cá nhân nước ngoài nào được sở hữu nhà ở tại Việt Nam?
Theo khoản 1, Điều 17, Luật Nhà ở 2023 (có hiệu lực từ 01.01.2025) quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
(1) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan;
(2) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);
(3) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Nghĩa vụ của người nước ngoài là chủ sở hữu nhà ở tại Việt Nam từ 01.01.2025
Nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở tại Việt Nam là người nước ngoài được quy định tại Điều 21, Luật Nhà ở 2023 như sau:
- Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại điểm (1) mục 1 có nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở theo quy định tại Điều 11, Luật Nhà ở 2023.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm (2) và điểm (3) mục 1 có nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam nhưng phải tuân thủ các quy định sau đây:
+ Đối với chủ sở hữu là cá nhân nước ngoài thì được cho thuê nhà ở để sử dụng vào mục đích mà pháp luật không cấm nhưng trước khi cho thuê nhà ở, chủ sở hữu phải có văn bản thông báo về việc cho thuê nhà ở với cơ quan quản lý nhà ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) nơi có nhà ở theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và phải nộp thuế từ hoạt động cho thuê nhà ở này theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam thì có nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.
Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì có nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở như người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
+ Đối với chủ sở hữu là tổ chức nước ngoài thì chỉ được sử dụng nhà ở để bố trí cho người đang làm việc tại tổ chức đó ở;
+ Thực hiện thanh toán tiền mua, thuê mua nhà ở thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam;
+ Trong trường hợp cá nhân nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quyết định buộc xuất cảnh hoặc trục xuất, tổ chức nước ngoài bị buộc chấm dứt hoạt động tại Việt Nam do vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam trong sử dụng nhà ở thuộc sở hữu của mình thì nhà ở này bị xử lý theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Điều kiện cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Tại Điều 18, Luật Nhà ở 2023 quy định về điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
- Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại điểm (1) mục 1 phải là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở 2023 và pháp luật về kinh doanh bất động sản.
- Đối với tổ chức nước ngoài quy định tại điểm (2) mục 1 thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động hoặc thành lập tại Việt Nam còn hiệu lực tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở (sau đây gọi chung là giấy chứng nhận đầu tư) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp theo quy định của pháp luật.
- Đối với cá nhân nước ngoài quy định tại điểm (3) mục 1 phải không thuộc trường hợp được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật.