Hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả
Đổi mới thể hiện trước hết ở việc xắp xếp thời gian, tổ chức kỳ họp lần này được chia làm 2 đợt và có thời gian nghỉ giữa kỳ họp kéo dài 1 tuần để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết, bảo đảm các văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng cao khi được thống nhất thông qua và ban hành; đồng thời, cũng là thời gian để các đại biểu, nhất là đại biểu giữ cương vị lãnh đạo ở các ngành, địa phương có thời gian xử lý công việc ở cơ quan, địa phương mình. Đây có thể nói là một chương trình hợp lý, từ đó tiết kiệm thời gian của các đại biểu mà vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Để thực hiện được điều đó, tiếp tục phát huy tinh thần chủ động "từ sớm từ xa", theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ trong quá trình chuẩn bị các dự án luật, nghị quyết, đề án trình Quốc hội, tổ chức các hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến chuyên gia, các đại biểu Quốc hội chuyên trách, liên tục tiếp thu, chỉnh lý để bảo đảm nội dung trình Quốc hội có chất lượng cao.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 8 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết chứa quy phạm pháp luật, gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28.11.2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến đối với 9 dự án luật, đồng thời xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021; xem xét Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; công tác nhân sự...
Với thời gian chỉ trong 23 ngày, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, quyết định những nội dung quan trọng như vậy thì thật sự hiệu quả, như Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã đánh giá: đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng, khối lượng công việc lớn, xem xét, quyết định những nội dung quan trọng về xây dựng pháp luật, giám sát cũng như quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Quyết tâm cao, giải pháp đột phá, hành động quyết liệt, sâu sát
Kỳ họp thứ Năm đánh dấu việc lần đầu tiên Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri được đưa ra thảo luận tại Quốc hội, thể hiện ngày càng rõ nét hơn trách nhiệm của Quốc hội với cử tri và nhân dân. Đây là điều kiện để xem xét việc giải quyết ý kiến, kiến nghị đến đâu, có thấu đáo hay không hay là chỉ dừng lại ở việc trả lời và cung cấp thông tin, tránh việc người dân tiếp tục hỏi và cơ quan chức năng lại tiếp tục cung cấp thông tin. Đối với HĐND các cấp, có những địa phương, việc giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri theo Điều 74 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND chưa được quan tâm đúng mức, cá biệt có nơi chưa thực hiện. Tuy nhiên, cũng có những địa phương quyết liệt, chỉn chu trong vấn đề này. Thiết nghĩ, cùng với việc tổ chức thảo luận về kết quả giám sát ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp HĐND như Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV đã thực hiện, để nâng cao trọng trách trước những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm, cơ quan dân cử ở địa phương cần phát huy tích cực hình thức giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND hàng tháng về nội dung cử tri phản ánh để mang lại hiệu quả cao trong hoạt động.
Cử tri cũng đặc biệt quan tâm phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp. Phát biểu bế mạc phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: sau 2,5 ngày làm việc rất khẩn trương, sôi nổi, tập trung, trí tuệ và trách nhiệm cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, thu hút được sự quan tâm, chú ý rộng rãi của cử tri và nhân dân cả nước. Các đại biểu đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phản ánh sát với diễn biến thực tế đời sống và nguyện vọng của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước. Các nội dung hỏi và trả lời đều ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, ít có sự trùng lặp, có đối thoại, tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, sử dụng tối đa hiệu quả thời gian để chất vấn và làm rõ thêm vấn đề. Các Bộ trưởng đã thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh, kể cả những vấn đề khó, phức tạp. Các phó thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức trách nhiệm cao đã tham gia giải trình nghiêm túc, giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong từng lĩnh vực, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, thách thức, cần phải có quyết tâm cao, giải pháp đột phá, hành động quyết liệt, cụ thể, sâu sát để khắc phục trong thời gian tới. Có thành công tốt đẹp hay không còn phụ thuộc vào kết quả thực hiện các cam kết, lời hứa của Chính phủ, các thành viên Chính phủ. Với tư duy đổi mới hoạt động của Quốc hội, cử tri kỳ vọng và tin tưởng các cơ quan của Quốc hội luôn cộng đồng trách nhiệm với Chính phủ để hoạt động ngày càng hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn niềm tin, kỳ vọng của cử tri và nhân dân.