Giao Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư nhà lưu trú công nhân - có khả thi?
Một trong những nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được báo cáo xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách là quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Tuy nhiên, thảo luận tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội vẫn có ý kiến khác nhau về vấn đề này.
ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nêu rõ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có chức năng kinh doanh, nhưng nguồn đầu tư chủ yếu là tài chính công đoàn - hình thành phần lớn từ đóng góp kinh phí công đoàn của người lao động chứ không chỉ riêng phần đóng góp của công nhân tại các khu công nghiệp. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải có trách nhiệm quản lý, sử dụng đúng quy định nguồn tài chính công đoàn này. Việc đầu tư cho nhà lưu trú công nhân để cho công nhân thuê có rủi ro chậm thu hồi vốn, phải tiếp tục đầu tư bảo trì trong suốt thời gian cho thuê, nếu quản lý không tốt thì có thể gây ra các hệ lụy khó lường. Trong khi đó, việc thực hiện chức năng xây dựng các thiết chế công đoàn hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, khó có đủ nguồn lực để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030, tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất đều có thiết chế công đoàn.
Từ thực tế nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cũng lưu ý, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là vấn đề mới. Quá trình thực hiện thí điểm theo Quyết định 665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” vừa qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để có thể đưa vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo đại biểu, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nên xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời gian nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật Nhà ở.
Cũng lo ngại về tính khả thi của quy định nêu trên, ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, theo Quyết định 655/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2017, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được phép triển khai xây dựng 50 thiết chế công đoàn, trong đó có bao gồm nhà ở cho công nhân lao động. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay cũng mới chỉ có tỉnh Hà Nam xây dựng được thiết chế công đoàn, trong đó có nhà ở của công nhân lao động. Do vậy, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị phải đánh giá lại hiệu quả, trách nhiệm, cũng như tính khả thi của việc giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng các thiết chế công đoàn rồi mới bàn đến việc có nên quy định trong Luật Nhà ở hay không.
Không quyết chính sách thì công nhân sẽ còn phải chờ mãi
Quan tâm tới việc giao Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuê, ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) nhấn mạnh, bức xúc nhất của công nhân lao động là vấn đề nhà ở, nhiều công nhân ở khu công nghiệp đang phải chịu cảnh "5 không": không nhà ở, không nhà trẻ, không công trình giáo dục, không cơ sở y tế và không có điều kiện để sinh hoạt. "Tình trạng này đã tồn tại nhiều năm nay đòi hỏi chúng ta phải hành động, trong đó bao gồm cả việc hoàn thiện các quy định liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà lưu trú trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)", đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh.
Đối với băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội từ thực tế thực hiện Quyết định 655/QĐ-TTg của Thủ tướng, đại biểu Trần Văn Khải cho biết, từ năm 2017, khi đề xuất Đề án này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã họp Ban Chấp hành và có một nghị quyết về tiết giảm, điều chỉnh tỷ trọng chi hành chính và các hoạt động, phong trào không cần thiết để tập trung các nguồn lực nhằm triển khai xây dựng nhà ở công nhân, coi đây là một hình thức chăm lo thiết thực nhất đối với công nhân lao động. Từ năm 2017 đến 2020, thực hiện theo nghị quyết này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiết kiệm trên toàn hệ thống được hơn 3.000 tỷ đồng. Hiện nay, số vốn này vẫn đang giữ nguyên để chờ cơ chế triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã thành lập một quỹ đầu tư, với nguồn vốn hiện khoảng 5.800 tỷ đồng.
"Như vậy, về nguồn lực, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chuẩn bị hết sức nghiêm túc, khẩn trương và quyết tâm cho việc này". Nhấn mạnh điều này, đại biểu Trần Văn Khải cũng cho biết, thực hiện Quyết định 665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thành lập và đưa vào hoạt động Ban quản lý dự án chuyên ngành. Hiện nay, Ban quản lý dự án chuyên ngành của Tổng Liên đoàn Lao động Việt đã hoạt động bài bản, vững vàng, hoàn toàn có thể triển khai được các dự án nhóm A trở lên.
Phân tích từ thiết chế công đoàn được xây dựng thí điểm tại tỉnh Hà Nam, đại biểu Trần Văn Khải nêu rõ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã rất thận trọng trong triển khai thí điểm dự án ở tỉnh Hà Nam và chỉ trong 18 tháng đã hoàn thành từ khâu chuẩn bị đầu tư đến đưa vào khai thác một dự án lớn với đầy đủ nhà ở, công trình thể thao, công trình văn hóa. Hiện nay, công nhân lao động được thuê căn hộ trong thiết chế này ở tỉnh Hà Nam với giá thuê rất hợp lý.
"Nếu một quyết sách chưa vận hành được do thiếu cơ chế thì chúng ta cần tạo ra cơ chế. Thiết chế công đoàn đến nay chưa thực hiện được không phải do họ thiếu tính chủ động, mà nguyên nhân chính là do chưa được quy định trong luật là chủ đầu tư dự án nên chưa được giao đất. Đây cũng là nguyên nhân khiến các dự án mới có chủ trương chứ chưa được giao đất, và vì vậy công nhân lao động hiện vẫn chờ và vẫn có thể phải chờ mãi nếu như chúng ta không đưa ra quyết định cuối cùng", đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh, đồng thời khẳng định tán thành việc quy định tại khoản 3, Điều 78 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo hướng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê.
Cùng quan điểm nêu trên, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, việc trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là quy định có mục đích nhân văn, góp phần tháo gỡ thực trạng việc phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được các nguồn đầu tư, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân trong giai đoạn hiện nay. Đối tượng thụ hưởng của các chính sách về nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là người lao động có thu nhập thấp, nên với chức năng chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là tương đối phù hợp. Mặt khác, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có lợi thế trong việc điều tra, khảo sát, nắm bắt nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, do có hệ thống công đoàn từ trung ương xuống cơ sở. Điều này giúp ích trong việc đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Do đây là chính sách mới nên nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân cần được nghiên cứu, đánh giá một cách kỹ lưỡng. Theo ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang), cần đánh giá đầy đủ những ưu điểm, kết quả đạt được cũng như những khó khăn, bất cập đang đặt ra sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Quyết định số 665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, đưa ra các quy định cụ thể trong Luật Nhà ở (sửa đổi) và các luật liên quan về điều kiện năng lực, nguồn lực đầu tư, cơ chế đầu tư, quản lý vận hành, phạm vi giới hạn các dự án Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia làm chủ đầu tư… để bảo đảm tính khả thi, cũng như phòng tránh những rủi ro có khả năng xảy ra.