![]() Nguồn: doanhnhansaigon.vn |
Niềm tin vào chính sách lãi suất
Giai đoạn 2012 - 2013, thành công nổi bật nhất của chính sách tiền tệ chính là chính sách lãi suất. Bắt đầu từ năm 2011 cho đến nửa đầu năm 2012, chính sách tiền tệ điều hành theo hướng tập trung vào chính sách lãi suất, với việc tăng mạnh lãi suất huy động cũng như cho vay và quay trở lại áp dụng trần lãi suất huy động với mục tiêu làm công cụ để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nửa sau của năm 2012, khi lạm phát tính theo năm có dấu hiệu chững lại và đi xuống thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục điều chỉnh trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn theo hướng giảm dần, đồng hành với tốc độ lạm phát những vẫn bảo đảm nguyên tắc lãi suất thực dương. Khi lạm phát cả năm 2013 đứng ở mức tăng 6,04% so với cuối năm 2012 và bình quân năm tăng 6,6% - mức tăng thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua - thì càng chứng tỏ hiệu quả kiềm chế lạm phát của chính sách tăng lãi suất đồng thời cho thấy sự hợp lý của việc NHNN đưa trần lãi suất huy động về mức 7% từ cuối tháng 6.2013. Có thể nói đây là mức lãi suất huy động hợp lý, phù hợp với các điều kiện vĩ mô và vi mô. Song song với điều chỉnh lãi suất đối với VNĐ, việc điều chỉnh trần lãi suất huy động bằng USD được thực hiện đồng bộ, gắn với các mục tiêu về chống đô la hóa và quản lý ngoại hối. Thông qua đó, NHNN đã kết hợp hài hòa chính sách lãi suất với chính sách tỷ giá hối đoái và quản lý ngoại hối. Trần lãi suất huy động USD 0,25%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và 1,25%/năm đối với tiền gửi của dân cư đã góp phần tích cực hạn chế tình trạng đô la hóa nền kinh tế.
Lãi suất huy động giảm, tính thanh khoản của tổ chức tín dụng được cải thiện là điều kiện tiên quyết để giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm 2 - 5%/năm và trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006 nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ tín dụng. Đến cuối năm 2013, lãi suất cho vay bằng VNĐ phổ biến đối với những lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) chỉ còn ở mức 7 -9%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9 - 10,5%/năm ở khối ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước; 9,5 - 11,5%/năm ở khối NHTM cổ phần. Thậm chí, những doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, có phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả còn được cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5 - 7%/năm. Lãi suất cho vay USD bằng phổ biến ở mức 4 - 7%/năm; trong đó, các NHTM Nhà nước là 4 - 5%/năm đối với ngắn hạn, 6 - 7%/năm đối với trung và dài hạn; các NHTM cổ phần khoảng 5 - 6%/năm đối với ngắn hạn, 6,5 - 7%/năm đối với trung và dài hạn. Rõ ràng, nếu so với mặt bằng lãi suất huy động cuối năm 2013 khoảng 6,5 - 7,5%/năm kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và khoảng 7,5 - 8,5%/năm kỳ hạn trên 12 tháng thì chênh lệch giữa mặt bằng lãi suất huy động và mặt bằng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) không còn là quá cao.
Kết quả điều hành chính sách lãi suất có giá trị hơn khi đặt trong bối cảnh NHNN chịu sức ép rất lớn từ quan điểm cho rằng, kinh tế tăng trưởng chậm lại, chỉ đạt 5,25% năm 2012 và 5,42% năm 2013, cũng như khoảng 15 vạn doanh nghiệp giải thể dừng hoạt động từ năm 2011 đến 2013 một phần quan trọng là do lãi suất quá cao. Nhưng kết quả ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và áp lực buộc các doanh nghiệp khẳng định hiệu quả sản xuất kinh doanh khi chuyển từ tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng quá dễ dàng với lãi suất thấp sang tuân thủ các điều kiện về chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu với lãi suất cao hơn đã chứng minh tính đúng đắn của chính sách lãi suất từ 2011 đến nay.
Tốc độ lạm phát dự kiến năm 2014 và 2015 đều khoảng 7%, đồng thời với việc đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu kinh tế lên hàng đầu nên định hướng chính sách lãi suất huy động chủ đạo giai đoạn 2014 - 2015 là duy trì như nửa cuối năm 2013, cả lãi suất huy động bằng VNĐ và USD. Mục tiêu tăng tổng phương tiện thanh toán năm 2014 từ 16 - 18%, nghĩa là tương đương năm 2013 nên không cần thiết điều chỉnh lãi suất huy động để thay đổi quy mô tiền gửi tại hệ thống TCTD. Do dư địa giảm lãi suất huy động hầu như không còn nên định hướng tiếp tục giảm lãi suất cho vay chỉ có thể thông qua thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Khoảng cách này chỉ có thể thu hẹp nếu xử lý tốt vấn đề nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống các TCTD và cơ cấu lại từng TCTD để tiết giảm chi phí kinh doanh, giảm dự phòng rủi ro và tăng hiệu quả hoạt động của từng TCTD cũng như của cả hệ thống.
Niềm tin vào chính sách tín dụng
Mục tiêu hàng đầu của năm 2013 và cũng là mục tiêu của năm 2014 - 2015 vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó trọng trách của NHNN là duy trì sự ổn định giá trị đồng tiền, cả giá trị đối nội lẫn đối ngoại. Bên cạnh điều hành chính sách tiền tệ mà trọng tâm là chính sách lãi suất thì chính sách tín dụng, kể cả mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng được NHNN quan tâm chỉ đạo. Vấn đề đặt ra là chính tăng trưởng tín dụng quá nóng với các điều kiện tín dụng được nới lỏng quá mức là những nguyên nhân trực tiếp gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát cao những năm 2007 - 2008 và năm 2010 - 2011. Tương tự như chính sách lãi suất, NHNN sử dụng chính sách tín dụng như một công cụ hữu hiệu để kiềm chế lạm phát. Chính sách lãi suất tuân thủ nguyên tắc lãi suất thực dương đã phối hợp với chính sách tín dụng nhằm đưa mức tăng trưởng tín dụng về mức hợp lý, gắn việc tăng tổng tín dụng với việc tăng hiệu quả sử dụng vốn, bảo đảm an toàn hệ thống cũng như việc sử dụng vốn tín dụng hợp lý của bản thân các khách hàng. Vì vậy, liên tiếp trong các năm 2011 và 2012, tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm đã giảm từ trên 30% xuống còn trên dưới 10%. Sang năm 2013, mặc dù chịu sức ép đẩy nhanh tốc độ tăng tổng tín dụng song kiên định nguyên tắc ưu tiên chất lượng tín dụng hơn quy mô tín dụng, cấp tín dụng căn cứ vào khả năng hấp thụ vốn của khách hàng, đồng thời cơ cấu lại tín dụng ngân hàng theo mục đích sử dụng vốn vay, theo kỳ hạn vay và đồng tiền cho vay nên tổng tín dụng cả năm 2013 được giữ ở mức tăng 10% thay vì tăng 12% như mục tiêu đặt ra từ đầu năm.
Trong điều hành tín dụng ngay từ cuối năm 2011 và đặc biệt là trong suốt năm 2013, NHNN đã chủ động trong việc đối thoại với các địa phương, các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn liên quan đến tín dụng ngân hàng. Một mặt, NHNN kiên trì chủ trương hạn chế và thu hẹp bớt nguồn tín dụng dành cho các thị trường nóng, chứa đựng nhiều rủi ro như thị trường chứng khoán, bất động sản... Mặt khác, hướng dòng vốn tín dụng vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cao do lạm phát và lãi suất huy động đều cao, thì NHNN đã có các chính sách tích cực như chính sách ưu đãi về lãi suất, ưu đãi về nguồn vốn tín dụng và trong một chừng mực nhất định có sự ưu đãi về điều kiện tín dụng cho các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên, hỗ trợ.
Do đặt ưu tiên hàng đầu là chất lượng tín dụng nên mục tiêu tăng tổng tín dụng từ 12 - 14% năm 2014 không nhất thiết phải đạt bằng mọi giá mà nên coi đó là mức tăng trần. Thay vào đó, phải đạt cho được các mục tiêu quan trọng như tăng chất lượng, hiệu quả tín dụng, nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống. Hơn nữa, quy mô tín dụng tính đến cuối năm 2013 cũng đã lên tới gần 3,5 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 93% GDP - ngang với tỷ lệ tổng tín dụng trên GDP năm 2007 (tốc độ tăng GDP năm 2007 là 8,46%) và gấp 5 lần so với năm 1995 (GDP năm 1995 tăng kỷ lục 9,54%) - nên hiệu quả sử dụng vốn tín dụng ngân hàng chỉ được nâng lên nếu tỷ lệ tổng tín dụng năm 2014 giảm xuống còn khoảng 91 -92%/GDP tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,8%. Đồng thời, chính sách tín dụng năm 2014 và 2015 sẽ tập trung đẩy mạnh hơn nữa cơ cấu lại tín dụng nhằm hướng dòng vốn vào những khu vực sản xuất kinh doanh có hiệu quả, hỗ trợ xử lý những vấn đề nóng về hàng tồn kho và nợ xấu cũng như phù hợp với tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế.
Chính sách tỷ giá hối đoái
Sau khi tỷ giá USD/VNĐ được điều chỉnh tăng tới 9,3% đầu năm 2011, đến nay NHNN đã duy trì tỷ giá hối đoái khá ổn định và thậm chí là không thay đổi tỷ giá trong suốt cả năm 2012. Và cho đến giữa năm 2013 mới có sự điều chỉnh tỷ giá hối đoái chính thức ở mức 1% đồng thời duy trì biên độ dao động của tỷ giá giao dịch tại các NHTM là +/-1%. Điều này đã góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được sức mua đối ngoại của đồng Việt Nam, trong bối cảnh sức mua đối nội cũng đã được khôi phục.
Ở Việt Nam, chính sách tỷ giá hối đoái gắn rất chặt với chính sách tiền tệ, thậm chí gần như trở thành một bộ phận không thể tách rời của chính sách tiền tệ. Vì có một số đặc trưng như tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam rất lớn (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2013 lên đến hơn 260 tỷ USD, tương đương 150% GDP), dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam rất nhiều kể cả dòng vốn đầu tư trực tiếp lẫn đầu tư gián tiếp, Việt Nam có tình trạng đô la hóa khá mạnh do Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới chấp nhận huy động bằng đô la Mỹ và các ngoại tệ khác cũng như được phép cho vay bằng ngoại tệ. Chính vì vậy, tỷ giá hối đoái ổn định không chỉ hỗ trợ tích cực kiềm chế lạm phát thông qua hạn chế tăng giá hàng hóa nhập khẩu, từ các loại máy móc thiết bị, nguyên, nhiên, vật liệu đến hàng hóa tiêu dùng mà còn góp phần cải thiện cán cân thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài và tăng dự trữ ngoại hối.
Năm 2012 và 2013, mặc dù CPI lần lượt tăng 6,81% và 6,04% so với cuối kỳ và tăng bình quân tới 9,21% và 6,6% song giá USD chỉ tăng tương ứng có 0,18% và 1,09% chứng tỏ tỷ giá hối đoái không chỉ ổn định trong chính sách và thể hiện ở tỷ giá hối đoái chính thức giao dịch liên ngân hàng mà còn ở thực tế trên thị trường tiền tệ.
Cán cân thương mại và tài khoản vốn đều thặng dư lại thêm trên dưới 10 tỷ USD kiều hối hàng năm nên cán cân thanh toán của Việt Nam năm 2012 - 2013 đã được cải thiện mạnh từ mức thâm hụt lớn giai đoạn 2007 - 2009 sang trạng thái thặng dư, thậm chí là thặng dư lớn nên đã tạo ra cơ hội tăng mạnh dự trữ ngoại hối (quy mô dự trữ ngoại hối năm 2013 đã lên tới trên 30 tỷ USD sau khi xuống dưới 10 tỷ USD năm 2009), qua đó tạo cơ sở vững chắc để duy trì ổn định tỷ giá hối đoái, tạo nguồn lực tài chính để sẵn sàng đối phó với khả năng rủi ro từ việc rút vốn, đầu cơ tiền tệ hay những áp lực về phá giá đồng Việt Nam. Rõ ràng, chính sách tỷ giá hối đoái đã và đang bám sát theo nguyên tắc ổn định và linh hoạt, quan trọng hơn là sự ổn định và linh hoạt đó dựa trên những tiền đề và cơ sở tài chính vững chắc. Diễn biến tỷ giá hối đoái những năm 2012 - 2013 đã tạo được niềm tin khá chắc chắn vào sự ổn định của tỷ giá hối đoái nói chung cũng như khả năng điều hành chính sách tỷ giá hối đoái của NHNN nói riêng. Thành công của việc điều hành chính sách tỷ giá hối đoái vừa qua còn thể hiện ở sự gắn bó chặt chẽ với chính sách quản lý ngoại hối, quản lý thị trường vàng, với lộ trình chống đô la hóa, chống vàng hóa trong nền kinh tế.
Năm 2014 nên tiếp tục duy trì chính sách tỷ giá hối đoái đã định hình trong các năm 2012 - 2013 nhằm tăng tính hấp dẫn của VNĐ và tăng dự trữ ngoại hối, tuân thủ cam kết không điều chỉnh tỷ giá quá 2%. Bên cạnh đó, chính sách tỷ giá hối đoái phối hợp chặt chẽ với chính sách quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24, bảo đảm ổn định thị trường, lập lại và củng cố trật tự trên thị trường vàng và thị trường ngoại hối.
Rõ ràng, niềm tin vào chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá hối đoái của NHNN đã được phục hồi, củng cố vững chắc hơn, qua đó, uy tín và mức độ tin cậy vào những cam kết mạnh mẽ của NHNN ngày càng được nâng cao. Hy vọng niềm tin đó sẽ tiếp tục đồng hành vớái Việt Nam trong những năm sắp tới.