Phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội
Báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về nguyên tắc áp dụng pháp luật (Điều 4), Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, về nguyên tắc, trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau Luật Thủ đô có nội dung liên quan thì cần phải được xem xét, đánh giá trong mối quan hệ với các quy định của Luật Thủ đô; trường hợp lựa chọn áp dụng quy định của luật, nghị quyết mới thay cho các quy định của Luật Thủ đô thì nội dung này cần phải được thể hiện ngay trong luật, nghị quyết.
Tuy nhiên, thực tiễn có thể phát sinh các trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề nhưng luật, nghị quyết không xác định rõ quy định nào được áp dụng, thậm chí có trường hợp nội dung chính sách được cụ thể hóa trong các văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết ban hành sau mới cho thấy việc áp dụng sẽ có thuận lợi hơn đối với Thủ đô.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: bổ sung cơ chế giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng pháp luật trong các trường hợp này theo đề nghị của Chính phủ để bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển và cũng phù hợp với thẩm quyền giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khoản 2 Điều 4). Đồng thời, trong trường hợp có sự khác nhau giữa văn bản quy định chi tiết hoặc văn bản để thực hiện thẩm quyền do Luật Thủ đô giao với văn bản của các cơ quan nhà nước khác thì thực hiện theo văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô, văn bản thực hiện thẩm quyền do Luật Thủ đô giao (khoản 3, Điều 4).
Về tổ chức chính quyền đô thị (Chương II), trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban và các cơ quan đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND TP. Hà Nội, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố và UBND phường.
"Nội dung tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho TP. Hà Nội, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết.
Riêng đối với nội dung phân quyền về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền TP. Hà Nội (Điều 9), Thường trực Ủy ban Pháp luật và TP. Hà Nội đề nghị chỉnh lý theo hướng: giao HĐND thành phố quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND Thành phố; quy định tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố (khoản 4 Điều 9) để bảo đảm tính chủ động, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn theo từng thời kỳ nhằm xây dựng, kiện toàn được bộ máy đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền bổ sung.
Giao quyền quá lớn cần tổng kết, đánh giá toàn diện
Đa số ĐBQH cho rằng, dự thảo Luật cơ bản bám sát tinh thần các nghị quyết của Đảng, việc tiếp thu, chỉnh lý đã tiếp thu kinh nghiệm của các cơ chế đặc thù đã và đang áp dụng với các địa phương; nhiều chính sách mang tính đột phá, thể hiện tinh thần phân cấp, phần quyền cho Thủ đô nhằm hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển nhanh và bền vững.
Thảo luận quy định về áp dụng pháp luật tại khoản 3 Điều 4 dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) cho rằng, rất dễ dẫn đến cách hiểu là phủ quyết văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên khi đề nghị: trong trường hợp quy định khác nhau về một vấn đề giữa văn bản quy định chi tiết được giao cho một cơ quan nhà nước có thẩm quyền với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.
Vấn đề đặt ra là văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên đó có căn cứ vào luật để ban hành không và có căn cứ vào Luật Thủ đô nói riêng hay không? Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị chỉnh lý, diễn đạt lại nội dung của khoản 3 Điều 4 để tạo điều kiện thuận lợi khi triển khai thực.
Liên quan đến quy định phân quyền về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền TP. Hà Nội tại Điều 9, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tán thành quy định cho phép HĐND TP. Hà Nội thành lập các cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần có khung tối đa cơ quan chuyên môn của TP. Hà Nội là bao nhiêu để tránh trường hợp tùy tiện, muốn thành lập được bao nhiêu thì thành lập.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nêu rõ, việc giao thẩm quyền cho HĐND TP. Hà Nội chủ động trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan, tổ chức liên quan là quá lớn. Lưu ý đây là vấn đề mới, đại biểu đề nghị cần có sự đánh giá tổng kết trước khi quy định.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng chỉ rõ, quy định việc thành lập, giải thể, tổ chức lại các cơ quan của Hà Nội không bị giới hạn bởi quy định của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, của tổ chức hành chính khác cũng là chưa phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý, dễ dẫn đến tăng biên chế. Do đó, đại biểu đề nghị, nên quy định thí điểm vấn đề này và có sự đánh giá, tổng kết một cách toàn diện trước khi tiến hành quy định trong luật và cần bổ sung quy định điều kiện thành lập mới cơ quan tổ chức cần bảo đảm biên chế và khả năng đáp ứng của ngân sách.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao các ý kiến phát biểu rất cụ thể, tâm huyết, trách nhiệm; khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của đại biểu Quốc hội để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV.