Đổi mới phương pháp tuyên truyền
Theo đó, các đơn vị được khảo sát đã thường xuyên tổ chức, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên địa bàn về nội dung cơ bản của Đề án 1371; vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tuyên truyền, PBGDPL trong lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn. Mặt khác, tổ chức và phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng triển khai thực hiện Đề án 1371 cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, phát huy vai trò của các cá nhân uy tín trên địa bàn như già làng, trưởng bản, trưởng thôn... trong công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.
Qua khảo sát từ Vụ Pháp chế (Bộ Quốc phòng), trong giai đoạn 2021 - 2024, Bộ CHQS tỉnh Kon Tum đã phối hợp với chính quyền và các tổ chức tại địa phương xây dựng nhiều chương trình tuyên truyền, PBGDPL với gần 3000 lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tham gia; thực hiện 256 tin, 51 phóng sự, 86 bài; phát 34 chuyên mục trên Báo Truyền hình Quân khu 5; xây dựng 52 chuyên mục phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; 29 chuyên trang trên Báo Kon Tum.

Hàng năm, Bộ CHQS tỉnh Kon Tum còn tổ chức 5 đợt huấn luyện dã ngoại, kết hợp thực hiện công tác dân vận trên địa bàn tỉnh; tổ chức nhiều đợt chương trình như "Rung chuông vàng tìm hiểu pháp luật" hay tuyên truyền pháp luật bằng hình thức thiết kế infographic...
Thực hiện Đề án 1371 trong giai đoạn 2021 - 2024, Bộ CHQS tỉnh Gia Lai đã tuyên truyền cho trên 7.600 lượt người; xây dựng củng cố hàng trăm băng rôn, tuyên truyền trong chương trình "Tết Quân dân"; tổ chức tuyên truyền, PBGDPL bằng hình thức sân khấu hóa cho trên 1.400 cán bộ, đoàn viên và nhân dân tham gia. Bên cạnh đó, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội; cuộc thi thanh niên với văn hóa giao thông, đoàn viên thanh niên nói không với rượu, bia, thuốc lá; hội thi dân vận khéo...
Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh với phương châm "Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin" đã tổ chức và phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền cho trên 13.000 lượt người; giao lưu văn nghệ lồng ghép tuyên truyền, PBGDPL với hơn 2.800 lượt người (chưa tính các đợt tuyên truyền nhỏ lẻ).
Đặc biệt, đơn vị đã kết hợp tuyên truyền, PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật với mô hình "Rau sạch quân sự" và thực hiện trên 500 pano áp phích in 1.000, tờ rơi thu âm pháp loa gần 120 nội dung liên quan đến pháp luật; phối hợp với tổ chức tôn giáo và chính quyền địa phương tặng 23 căn nhà tình nghĩa dân quân, nhà đại đoàn kết…
Chủ động phối hợp thực hiện nhiệm vụ
Theo Vụ Pháp chế (Bộ Quốc phòng), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh cũng tích cực, chủ động trong công tác thực hiện Đề án 1371; trực tiếp tuyên truyền, PBGDPL được hàng nghìn buổi với số lượng người tham gia đông đảo.
Cụ thể, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum tổ chức hơn 540 Ngày Pháp luật từ năm 2022 đến hết tháng 6 năm 2024; triển khai học tập 15 chuyên đề giáo dục chính trị, duy trì sinh hoạt 10 câu lạc bộ, 4 vấn pháp luật; tổ chức và phối hợp tổ chức tuyên truyền 2.765 buổi cho trên 187.264 lượt người. Bên cạnh đó, lực lượng Bộ đội biên phòng còn phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát 30 chuyên mục "Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia"; 30 chuyên trang; phát hành 30 bản thông tin nội bộ; đăng 690 tin bài phóng sự trên báo đài.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh tuyên truyền trực tiếp 2.250 buổi trên 125.750 lượt người, tuyên truyền lưu động được 1.440 giờ trong 3 năm từ 2022 - 2024; tổ chức được 960 buổi sinh hoạt, đối thoại pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ; phối hợp với các tổ chức đoàn thanh niên giới thiệu về đường biên quốc gia và Luật Biên phòng Việt Nam được 105 lần với 1.150 lượt học sinh, sinh viên tham gia, phát 5.500 tờ gấp pháp luật; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh tuyên truyền cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu về Luật Biên phòng Việt Nam", thu hút 7.620 lượt người hưởng ứng tham gia.
Các đơn vị biên phòng đều tích cực tuyên truyền, thực hiện sâu rộng các dự án, chương trình như "Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường"; "Nâng bước em tới trường - con nuôi đồn biên phòng"; "Tay kéo biên phòng"; "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"; "Tự quản đường biên, mốc giới", "Tiếng loa biên phòng".
Là đơn vị tiên phong trong công tác PBGDPL, trong 3 năm 2022 - 2024, Binh đoàn 15 đã tổ chức được 79 buổi với trên 175.017 lượt người, phát hành 8.900 tờ rơi với nhiều nội dung pháp luật; triển khai thành công mô hình "Gắn kết hộ" (giữa người dân tộc Kinh và người DTTS, giữa công nhân cũ và công nhân mới,...) đã gắn kết được 4.269 hộ. Binh đoàn 16 đã tổ chức được 14 buổi trên 18.207 lượt người; phát hành 6.000 tờ rơi với nhiều nội dung pháp luật và được biên soạn song ngữ.
Đặc biệt, 2 Binh đoàn thường xuyên học tập và quán triệt các nội dung liên quan đến pháp luật trong các buổi họp đầu giờ, giờ giải lao ngay trong vườn cây; tích cực phối hợp với các tổ chức chính quyền biên giới 2 nước bạn Lào và Campuchia tổ chức các hoạt động củng cố tình đoàn kết giữa nhân dân 2 nước; tổ chức giao lưu văn nghệ, sân khấu hóa các chủ đề pháp luật, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, kết hợp tuyên truyền PBGDPL.
Theo đánh giá của Vụ Pháp chế (Bộ Quốc phòng), các đơn vị đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phát huy vai trò của các lực lượng (nòng cốt là lực lượng 47) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL trên không gian mạng; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật và quy định đơn vị, tạo chuyển biến mạnh mẽ về rèn luyện kỷ luật, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.