Bội thu từ những cánh đồng cà phê
Trước năm 2020, Tây Nguyên là vùng trọng điểm trồng cà phê của cả nước với diện tích hơn 558.000ha, trong đó tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 20.000ha (chiếm 3,5%). Tuy nhiên cho đến nay, đã có nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với hộ dân theo mô hình mới, hình thành cánh đồng sản xuất cà phê với qui mô lớn.
Cánh đồng lớn sản xuất cà phê vối hiện có tổng diện tích giai đoạn 2016-2025 là 1.743 ha/21 cánh đồng, thực hiện trên địa bàn 13 xã/5 huyện, thành phố (gồm: các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy và thành phố Kon Tum). Trong giai đoạn 2016-2020, diện tích là 1.714 ha/21 cánh đồng và đến năm 2025, diện tích là 1.743 ha/21 cánh đồng. Tổng diện tích cánh đồng lớn sản xuất cà phê chè là 350 ha/3 cánh đồng, thực hiện trên địa bàn xã Đăk Choong, xã Đăk Choong - Xốp, huyện Đăk Glei và xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông.
Nhiều đơn vị đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như: Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Sáu Nhung liên kết với hộ dân để tổ chức sản xuất tiêu thụ hàng hóa, xuất khẩu cà phê với diện tích 300 ha, sản lượng khoảng 1000 tấn/năm. Hợp tác xã Công Bằng Pô Kô liên kết với hộ dân để tổ chức sản xuất tiêu thụ và xuất khẩu cà phê với diện tích 220 ha, sản lượng khoảng 900 tấn/năm. Đã hình thành 9 tổ hợp tác sản xuất phát triển cà phê bền vững trên địa bàn huyện Đăk Hà với diện tích 1340,3 ha gồm 760 hộ dân…

Tỉnh Kon Tum đã quyết liệt triển khai một số giải pháp như: Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, công bố kế hoạch đến các doanh nghiệp, phổ biến chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, tư vấn hướng dẫn quy trình, thủ tục ký kết hợp đồng cho nông dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và xúc tiến đầu tư thương mại; thu hút đầu tư công nghệ chế biến; hỗ trợ cơ chế, chính sách và nguồn vốn cũng được khẩn trương triển khai.
Chính sách hợp lòng dân
Từ tháng 3.2017, UBND tỉnh Kon Tum đã có Quyết định số 176/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017-2020.
Kết quả là, tính đến nay, toàn tỉnh đã có gần 300.000ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm gần 31% tổng diện tích tự nhiên. Các địa phương đã đăng ký dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn với diện tích 4.522 ha (trong đó dồn đổi 4.172 ha; tích tụ 350ha).
Toàn tỉnh đã thực hiện dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp là 394ha với 675 hộ gia đình và 2 cộng đồng dân cư tham gia; xây dựng được 7 cánh đồng lớn với 4 loại cây trồng là cà phê, mía, bắp sinh khối, lúa nước theo mô hình liên kết sản xuất.
Hiện nay, dồn đổi tích tụ đất nông nghiệp đã được thực hiện khá phổ biến trên toàn tỉnh Kon Tum, thúc đẩy sản xuất được nhiều hàng hóa từ các sản phẩm chủ lực và ngành kinh tế mũi nhọn. Phấn đấu đến năm 2025 tất cả 10/10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh sẽ đều có tích tụ đất nông nghiệp, xây dựng những cánh đồng lớn, trong đó có cây cà phê với kết quả tốt.
Có thể thấy, việc thực hiện thành công mô hình cánh đồng mẫu cà phê không chỉ có ý nghĩa lớn trong việc tạo chuyển biến trong tập quán sản xuất của người dân ở đây, mà còn là tiền đề để nhân rộng mô hình ra các địa phương trồng cà phê trên địa bàn tỉnh nhằm tiến tới sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm chi phí đầu tư và tăng năng suất, sản lượng. Đây cũng là bước tiến quan trọng để đạt các tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới.
Với cách làm khoa học và có sự vào cuộc đồng bộ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Kon Tum, mô hình cánh đồng mẫu cà phê đang tạo được sự đồng thuận, hợp tác của người dân trồng cà phê trong vùng. Hiện tại, một số địa phương chuyên canh về cà phê cũng đang xây dựng dự án cánh đồng mẫu cà phê để khắc phục dần tình trạng sản xuất manh mún, thiếu đồng bộ…
Thời gian tới việc tích tụ, tập trung đất nông nghiệp phát triển cánh đồng cà phê mẫu lớn sẽ tiếp tục phát triển ở Kon Tum, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, đặc biệt là của người dân. Tỉnh sẽ ưu tiên các hình thức tập trung đất trong đó bảo đảm người dân không mất quyền sử dụng đất, sử dụng đất hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Nhà nước hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ có liên quan một cách đầy đủ và thuận lợi nhất.