Đi qua miền huyền tích
Về với Đền Hùng, Phú Thọ là về với miền đất của những huyền tích bước lên từng bậc thềm như "cánh cửa" mở lối về của thời gian, đi qua 225 bậc đá men theo sườn núi, chúng tôi đã có mặt tại Đền Hạ - nơi mẹ Âu Cơ đã hạ sinh ra bọc trăm trứng, nở ra 100 người con. Tương truyền, vì cha Lạc Long Quân vốn là dòng dõi Rồng, không ở được trên cạn nên khi các con khôn lớn, cha bàn với mẹ chia các con đi mở mang bờ cõi, 50 người con theo cha đi xuôi về phía biển, 50 người con theo mẹ lên ngược lên non. Trên con đường dài muôn dặm, mẹ cùng đàn con đã đến trang Hiền Lương, quận Hạ Hoa, trấn Sơn Tây khai hoang lập ấp, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Người con cả ở lại nối ngôi cha truyền và lập nên Nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của người dân đất Việt, đóng đô ở Phong Châu, truyền 18 đời Vua Hùng trị vì đất nước trong 2621 năm (từ năm Nhâm Tuất 2879 đến năm 258 TCN)…
Trong “Truyền thuyết Hùng Vương” có kể lại: “Ngày xưa, Vua đi mãi mọi nơi mà chưa chọn được nơi nào có thể định đô. Đi tới một vùng trước mặt ba sông hội tụ, hai bên có Tản Viên, Tam Đảo chầu về, đồi núi gần xa, khe ngòi quanh quất, thế đất bày ra như hình hổ phục rồng chầu, tướng quân bắn nỏ, ngựa chạy phượng bay. Giữa những quả đồi xanh tốt ấy, có một ngọn núi đột ngột nổi lên như con voi mẹ nằm giữa đàn con. Vua lên núi nhìn ra bốn phía, thấy ba bề bồi đắp phù sa, bốn bề cây xanh, hoa tươi cỏ ngọt, vừa trùng điệp, vừa quanh co, có rộng mà phẳng, có hẹp mà sâu. Vua cả mừng khen rằng đây thực là đất hợp muôn dân, đủ hiểm để giữ, có thế để mở, thế đất vững bền, có thể dựng nước được muôn đời. Vua Hùng đặt đô ở đó gọi tên là thành Phong Châu. Thành này rộng từ ngã ba sông Bạch Hạc về tới các vùng đất quanh núi Nghĩa Lĩnh...”. Đó chính là khu vực thành phố Việt Trì ngày nay.

Rước kiệu về đền Hùng. Ảnh: Phương Thanh
Trong số hàng triệu người dân về miền đất Tổ những ngày này, có những cụ đã ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn vượt hàng trăm cây số để hành hương về núi Nghĩa Lĩnh dâng hương trước bàn thờ Tiên Tổ. Cụ Phạm Thị Thông (75 tuổi, ở Thanh Hóa) xúc động chia sẻ: sau gần 35 năm quay trở về đây, tôi rất ngạc nhiên vì sự thay đổi của Khu Di tích đền Hùng, nơi đây cảnh quan đẹp hơn rất nhiều. Đặc biệt, đường lên các Đền được cải tạo dễ đi, dù tuổi đã cao nhưng vẫn có thể lên được đến đền Thượng để thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính với các bậc tiền nhân.
Ý thức được trọng trách thay mặt đồng bào cả nước trông coi lăng miếu, hương khói thờ cúng Tổ tiên nơi Đất Tổ cội nguồn, những năm qua, công tác tổ chức lễ hội được tỉnh Phú Thọ triển khai rất trang trọng, thành kính linh thiêng trở thành một lễ hội mẫu mực, trang trọng, mang đậm bản sắc dân tộc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Ngọc - Trưởng Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2025 thông tin: Lễ hội Đền Hùng năm nay gắn liền Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ diễn ra từ ngày 9 - 18.4 (tức ngày 1 - 10 tháng 3 Âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử đền Hùng (TP. Việt Trì) và các huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh.
Điểm nhấn mùa lễ hội năm nay chính là Chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ với Chủ đề “Âm vang nguồn cội” diễn ra vào tối ngày 1.3 Âm lịch tại Quảng trường Hùng Vương. Từ ngày 1 đến ngày 9.3 Âm lịch, công viên Văn Lang sẽ trở thành không gian văn hóa sôi động với hàng loạt chương trình nghệ thuật về đêm phục vụ nhân dân và du khách. Đặc biệt, tối ngày 9.3 Âm lịch, có màn bắn pháo hoa tầm cao trên hồ công viên Văn Lang, tạo nên điểm nhấn rực rỡ khép lại chuỗi hoạt động nghệ thuật đầy màu sắc.
Bên cạnh các hoạt động văn hóa, lễ hội năm nay còn tổ chức nhiều giải thể thao tạo sân chơi sôi động và ý nghĩa, bao gồm: giải Golf “Uống nước nhớ nguồn” Phú Thọ năm 2025, Festival tinh hoa võ thuật hướng về cội nguồn, giải Marathon “Về nguồn” năm 2025...
Đến thời đại vươn mình
Thời đại Hùng Vương đã lắng đọng thành những trầm tích của văn hóa. Đến hôm nay, những trầm tích của chốn linh thiêng ấy vẫn hiển hiện như có tiếng “Trống đồng dội tới núi sông dậy sấm anh hùng” (lời GS. Vũ Khiêu) và thực sự là điểm tựa vững chắc cho Phú Thọ vững tin chung sức đồng lòng xây dựng quê hương phát triển thịnh vượng, đất nước hùng cường...
Với tâm thế rộng mở, cùng với cả nước, tiếp nối những kết quả và thành tựu của nhiều năm trước, bức tranh kinh tế - xã hội của Phú Thọ năm 2024 ghi dấu ấn đậm nét với nhiều gam màu sáng. Tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm dẫn đầu của cả nước và vùng trung du, miền núi phía Bắc với tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,53%, cao nhất 15 năm qua (từ năm 2011 đến nay), nằm trong nhóm 10/63 địa phương có tốc độ tăng cao của cả nước. Quy mô kinh tế đạt 109,2 nghìn tỷ đồng, tăng trên 11 nghìn tỷ đồng so với năm 2023 (đứng thứ 35/63 tỉnh, thành phố cả nước; 3/14 tỉnh trong vùng)… Các lĩnh vực, trụ cột kinh tế đều khởi sắc, nhiều chỉ tiêu quan trọng tiếp tục xác lập những con số ấn tượng. Văn hóa - xã hội đậm nét về vùng Đất Tổ giàu bản sắc...
Đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh”.
Năm 2025 được đánh giá là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối của nhiệm kỳ và kế hoạch 5 năm (2020 - 2025); là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng… Hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh Phú Thọ đoàn kết một lòng, tiếp bước truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, phát huy trí tuệ, bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, đồng tâm, hợp lực ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2025, phấn đấu xây dựng Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc, vững bước cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong đó, Phú Thọ tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ thị, kế hoạch, phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới bảo đảm tiến độ, yêu cầu và phù hợp với tình hình thực tiễn…
Đặc biệt, điểm tựa vững chắc để tỉnh bước vào giai đoạn mới trong diện mạo mới là phát triển toàn diện lĩnh vực kinh tế - xã hội và củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Do đó, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt khâu đột phá cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; quan tâm đến công tác giải quyết việc làm; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tiếp tục thực hiện Đề án phát triển Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam; nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển văn hóa, con người Đất Tổ giai đoạn 2025 - 2030 tạo chuyển biến rõ nét chất lượng các hoạt động văn hóa, hình ảnh tốt đẹp về đất và người Phú Thọ trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế.