Đây là một trong những hoạt động trọng tâm được tổ chức trong khuôn khổ hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2023 và trao giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XIV, do Trung ương Đoàn chủ trì. Tọa đàm được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Trung ương kết hợp với trực tuyến ở 64 điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh, thành đoàn.
Phát biểu tại Tọa đàm, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương chia sẻ, chuyển đổi số đang dần trở thành xu thế không thể đảo ngược và là bước đi quan trọng để thực hiện nền kinh tế số, xã hội số, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế và mỗi tổ chức, cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có. Tuy nhiên, song hành cùng những cơ hội là những thách thức, yêu cầu mới. Đảng và Nhà nước ta đề ra mục tiêu tới năm 2045 “Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á, có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh”.
Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu đó, một trong những lực lượng quan trọng là 15 triệu công nhân Việt Nam, những công nhân, kỹ sư, những người thợ lành nghề, những người trực tiếp sản xuất hàng hoá và cung ứng dịch vụ cho người tiêu dùng ở cả trong và ngoài nước, cần phải thích nghi tốt nhất với quá trình chuyển đổi số.
"Doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với một xã hội được chuyển đổi số. Người lao động cũng phải thay đổi cách làm trước nay để có thể thích nghi và thay đổi trong công việc, hòa mình vào dòng chảy chuyển đổi số. Ở đây không chỉ quá trình tự thân của người lao động mà còn có vai trò của doanh nghiệp, của các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là tổ chức Đoàn thanh niên trong đồng hành, tạo lập môi trường để thanh niên công nhân, người lao động trẻ trong các doanh nghiệp được tăng cường nâng cao tay nghề, tiếp cận khoa học công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số vào công việc hàng ngày… Tọa đàm “Thanh niên công nhân tiên phong chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất kinh doanh” sẽ góp phần hỗ trợ, phát huy tính xung kích, phẩm chất sáng tạo lực lượng đoàn viên, thanh niên công nhân, đóng góp hiệu quả hơn nữa vào quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.”, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương nhấn mạnh.
Để tăng cường tính xung kích, sáng tạo của thanh niên công nhân trong triển khai nhiệm vụ, chuyên môn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh doanh nghiệp, Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Phạm Đăng An cho rằng, cần sớm chọn lựa và đăng ký công trình, phần việc thanh niên. Đoàn các cấp cũng cần bàn bạc chi tiết để phù hợp với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh tại đơn vị và phù hợp với các thế mạnh của đoàn viên, thanh niên. Thứ hai, cần lập kế hoạch, chi tiết cho từng giai đoạn thực hiện công trình, phần việc.
Kịp thời động viên, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để công trình, phần việc thanh niên được tiến hành thuận lợi theo đúng kế hoạch đã đề ra. Lên kế hoạch giám sát thường xuyên, sau mỗi giai đoạn thực hiện… nhằm xem xét lại tiến trình, tiến độ thực hiện. Ngoài ra, cần liên tục trao đổi kiến thức, công nghệ và kinh nghiệm làm việc thông qua các buổi sinh hoạt khoa học công nghệ hoặc các hội thảo thanh niên với những chủ đề đa dạng và phong phú, từ đó sẽ dẫn đến có nhiều ý tưởng, nội dung công việc để thực hiện công trình, phần việc thanh niên.
Tham luận tại Tọa đàm, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Công thương Nguyễn Ngọc Tâm cho rằng, công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung, và việc ta tham gia vào các FTA thế hệ mới nói riêng đã và đang gặt hái được nhiều kết quả rất tích cực và cụ thể cho nền kinh tế vĩ mô, cũng như chất lượng cuộc sống của mỗi người dân Việt Nam nói riêng. Mỗi lao động trẻ Việt Nam, với tư cách là một công dân Việt Nam, đều đã và đang được hưởng lợi thế trực tiếp từ một nền kinh tế ngày càng vững mạnh, ngày càng hội nhập sâu, rộng vào chuỗi giá trị và hoạt động thương mại toàn cầu.
“Lao động trẻ Việt Nam đang đứng trước những cơ hội quý giá. VàViệt Nam cũng đang đứng trước cơ hội trở thành “công xưởng của thế giới”. Để có thể tận dụng hiệu quả các cơ hội phát triển đó, thanh niên Việt Nam cần nâng cao tinh thần chủ động, quyết tâm hoàn thiện năng lực của bản thân để sẵn sàng cho những cơ hội tốt nhất. Đặc biệt cần cụ thể hóa rõ ràng hơn mục tiêu, kế hoạch chuyển đối số đối với thanh niên công nhân, lao động trẻ Việt Nam…”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tâm chia sẻ.
Trong tham luận của gửi tới Tọa đàm, TS. Nguyễn Xuân Hải (Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nêu giải pháp, lao động trẻ Việt Nam cần xác định rõ định hướng và kỳ vọng nghề nghiệp của mình trong tương lai. Từ đó, xác định được những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để đề ra những kế hoạch cụ thể trong ngắn hạn và dài hạn nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra.