Đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội
Báo cáo giám sát việc ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ đầu nhiệm kỳ đến nay của Thường trực HĐND tỉnh cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến ngày 31.7.2024, HĐND các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh đã ban hành 5.901 nghị quyết, bao gồm 10 nghị quyết quy phạm pháp luật và 5.891 nghị quyết cá biệt, trong đó nghị quyết về lĩnh vực đầu tư có số lượng lớn nhất với 3.901 nghị quyết, chiếm 66,11%. Đa số nghị quyết HĐND cấp huyện thông qua được đại biểu HĐND nhất trí cao, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo luật định.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Quang Hải chủ trì buổi giám sát tại TP. Thanh Hóa
Theo đánh giá của Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa, việc chuẩn bị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp huyện đã có sự phối hợp tích cực của Thường trực HĐND, các Ban HĐND với UBND và các cơ quan liên quan. Hồ sơ nghị quyết trình HĐND huyện cơ bản đáp ứng thời gian và chất lượng. Việc thẩm tra nghị quyết của các Ban HĐND cấp huyện được tiến hành chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, báo cáo thẩm tra cơ bản đã thể hiện được chính kiến, yêu cầu UBND giải trình, làm rõ những nội dung còn có ý kiến khác nhau. Các kiến nghị của các ban HĐND cơ bản đã được UBND nghiêm túc tiếp thu, giải trình, làm rõ.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam cho biết, việc ban hành nghị quyết tại các kỳ họp của HĐND cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã kịp thời quyết định mục tiêu, phương hướng, nhiệm và các giải pháp thực hiện để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; giải quyết các vấn đề đột xuất, phát sinh trên địa bàn; quyết định đầu tư hàng ngàn chương trình, dự án đầu tư công trong đó có nhiều dự án quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các nghị quyết của HĐND cấp huyện khi đi vào cuộc sống đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, khẳng định vai trò của HĐND là cơ quan đại diện cho Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.
Bảo đảm tính hợp lý, khả thi
Bên cạnh những kết quả tích cực, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ rõ, vẫn còn một số dự thảo nghị quyết chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, có sai sót về căn cứ pháp lý, thẩm quyền, nội dung nghị quyết, thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản. Việc khảo sát, lập hồ sơ đầu tư, thẩm định của cơ quan chuyên môn còn sơ sài, không đầy đủ, chất lượng không cao nên có nghị quyết chưa sát với tình hình thực tế dẫn đến quá trình tổ chức thực hiện gặp khó khăn, phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhiều lần, thậm chí phải bãi bỏ, dừng thực hiện. Chưa kể, nhiều nghị quyết còn vướng các lỗi sai về thể thức, viện dẫn không chính xác căn cứ pháp lý, cách thể hiện tùy tiện, sắp xếp không đúng thứ tự về giá trị pháp lý của văn bản.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa giám sát tại huyện Ngọc Lặc
Theo đó, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa đã kiến nghị sửa đổi Điều 30 của Luật Ban hành Văn bản QPPL năm 2015 theo hướng: cấp huyện, cấp xã có thể ban hành văn bản QPPL khi văn bản QPPL của cơ quan Nhà nước cấp trên yêu cầu, thay vì chỉ trong trường hợp được luật, nghị quyết của Quốc hội giao để bảo đảm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Có hướng dẫn, quy định cụ thể về quy chế hoạt động của HĐND.
Đối với những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong quá trình giám sát, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa đề nghị HĐND cấp huyện, thị, thành phố trên địa bàn sớm tổ chức rà soát và khắc phục kịp thời. Hằng năm, tổ chức tự kiểm tra, rà soát các nghị quyết đã ban hành để phát hiện và khắc phục kịp thời những sai sót. Đặc biệt, có giải pháp nâng cao kiến thức chuyên môn, rèn luyện kỹ năng hoạt động HĐND cho đại biểu HĐND, nhất là thành viên các Ban HĐND. Các đại biểu cần dành thời gian thỏa đáng thu thập thông tin, nghiên cứu kỹ các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết, chuẩn bị ý kiến thảo luận chu đáo để tham gia thảo luận tại kỳ họp, góp phần bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi của nghị quyết.