Tham dự Phiên giải trình có: Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc; các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa, Nguyễn Thị Thủy, Hoàng Văn Liên; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
Phát biểu mở đầu Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2012 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm mua bán người. Sau hơn 10 năm thi hành, công tác phòng, chống mua bán người đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ, thời gian gần đây, tình hình tội phạm mua bán người đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, đối tượng nạn nhân cũng mở rộng, không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng…
Kết quả khảo sát của Ủy ban Tư pháp tại một số địa phương ngay trong đầu năm 2023 cho thấy, thực trạng nêu trên có nguyên nhân xuất phát từ một số quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản pháp luật liên quan không còn phù hợp; đồng thời cũng có nguyên nhân từ khâu tổ chức thực thi pháp luật chưa thực sự hiệu quả, một số bộ, ngành chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao.
"Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải đánh giá chính xác về tình trạng chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người trên phạm vi cả nước; thực trạng tội phạm trong lĩnh vực này và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan, từ đó có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.
Báo cáo tóm tắt ý kiến nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2018-2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết, cả nước đã phát hiện 440 vụ với 876 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người với 1.240 nạn nhân. Cơ quan điều tra các cấp thuộc Bộ Công an đã tiến hành thụ lý 560 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến mua bán người; tiến hành khởi tố 386 vụ/808 bị can. Tuy nhiên, số lượng các vụ phạm tội mua bán người được phát hiện, điều tra, xử lý còn ít so với tình hình thực tế.
Các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành giải cứu và phối hợp giải cứu cho 352 nạn nhân; tiếp nhận, xác minh 545 nạn nhân từ nước ngoài trở về. Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, nhất là việc tổ chức thực hiện tốt các Hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương về phòng, chống mua bán người giữa Chính phủ Việt Nam với các nước.
Tại Phiên giải trình, đại diện Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông… đã giải trình, làm rõ những nội dung được các đại biểu quan tâm như: các nội dung cần sửa đổi trong Luật Phòng, chống mua bán người; nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách pháp luật đến người dân; kiểm soát tình trạng kết hôn với người nước ngoài, cho và nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài; kinh phí hỗ trợ nạn nhân của các địa phương; khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra và đưa ra xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người…
Qua đó, các đại biểu kiến nghị cần có giải pháp hiệu quả hơn nữa đối với chính sách khuyến khích, tạo công ăn việc làm thu hút lao động tại địa phương và trong phạm vi cả nước để hạn chế tình trạng người dân đi lao động trái phép tại nước ngoài; rà soát nội dung, tăng cường kỹ năng sống và thời lượng giáo dục phòng, chống mua bán người cho học sinh; thành lập, duy trì các mô hình cơ sở hỗ trợ nạn nhân...