Biến khó khăn thành cơ hội
Nam sinh người dân tộc Mông Sùng A Chú, sinh ra và lớn lên ở xã Suối Giàng - một trong những xã thuộc vùng núi cao của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, đa số người dân sống bằng nghề thuần nông, có tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn cao.
Gia đình của Sùng A Chú nằm trong diện hộ khó khăn, sống dựa vào công việc đồng áng, nương rẫy theo mùa. Em là con thứ trong đại gia đình có 3 chị em, người chị gái đầu chưa học hết THPT, sau đó tảo hôn lấy chồng do điều kiện kinh tế khó khăn.
Vì hoàn cảnh gia đình, đã có những lúc tưởng chừng như con đường học tập của nam sinh người dân tộc đã phải bỏ dở giữa chừng.
Nhớ lại tuổi thơ của mình, Sùng A Chú ngậm ngùi chia sẻ: “Khi đỗ vào cấp 3, em đã có ý định bỏ học vì thấy được những khó khăn và áp lực về học phí đã trở thành gánh nặng cho gia đình. Rất may mắn, em được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình nội trú bậc trung học cơ sở nên được chu cấp 890 nghìn/tháng. Tuy không nhiều, nhưng đủ để em trang trải học phí cho cấp phổ thông”.
Thấu hiểu những nỗi vất vả, nhọc nhằn của người thân, Sàng A Chú biết rõ chỉ có con chữ mới có thể đưa gia đình thoát nghèo, giúp bản thân thay đổi tương lai. Vậy nên, nam sinh luôn nỗ lực vượt khó, vươn lên mỗi ngày và không bao giờ từ bỏ.
Nhờ đó, nam sinh không ngừng nỗ lực, đạt “bảng vàng” thành tích trong học tập. Suốt những năm trung học, Sùng A Chú đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, đặc biệt đối với môn học liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật.
Hiện, Sùng A Chú đang là sinh viên năm 3 Ngành Sư phạm Mỹ thuật, Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Khi biết tin trúng tuyển vào ngành Sư phạm Mỹ thuật, Khoa Nghệ thuật của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nam sinh người dân tộc vỡ òa vui sướng. Theo chia sẻ của Sùng A Chú, ngay từ nhỏ, được đến trường, em đã rất yêu quý các thầy cô giáo bản và luôn mơ ước sau này cũng sẽ trở thành giáo viên, đưa con chữ, ánh sáng tri thức về với bản làng.
“Ở bản làng - nơi em sinh sống, đa số các bạn cùng trang lứa bỏ ngang việc học để đi làm kiếm tiền hoặc lập gia đình...Và mọi người quan niệm rằng, học nhiều cũng không thay đổi được gì. Do vậy, em quyết tâm thi đỗ đại học để thay đổi định kiến đó, mặc dù học không phải con đường duy nhất, nhưng đó là con ngắn nhất dẫn đến thành công", Sùng A Chú tâm sự .
Mặc dù đã thi đỗ đại học, nhưng do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên nam sinh đã bỏ học 2 tháng, rồi được gia đình động viên quay trở lại học. “Em rất biết ơn bố mẹ, dù khó khăn nhưng vẫn luôn cố gắng động viện và chu cấp tài chính để em được đi học tốt hơn”, nam sinh người dân tộc bày tỏ.
Ước mơ trở về bản làng làm thầy giáo mỹ thuật
Chàng sinh viên tỉnh lẻ, 18 tuổi năm ấy đã vượt quãng đường hơn 200km, chở theo bao ước mơ của bản thân và bố mẹ xuống Hà Nội học tập với một thái độ hăm hở hào hứng. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với môi trường mới, nam sinh người dân tộc Mông mới “thấm thía” những khó khăn ở nơi đất khách xa nhà, từ việc sinh hoạt cho đến học tập.
“Đối với em, xuống Hà Nội nhập học như một “thế giới” mới. Bởi, bản thân khá luống cuống, gặp khó khăn trong việc giao tiếp với mọi người. Nhờ sự quan tâm của thầy cô, bạn bè Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, em đã lấy đó làm động lực để cố gắng nhiều hơn, dần dần em cũng nhanh chóng hòa nhập được với môi trường, nỗ lực rèn luyện trong học tập ”, Sùng A Chú chia sẻ.
Sau thời gian trở thành tân sinh viên của Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, nam sinh người dân tộc Mông dần làm quen với cuộc sống sinh viên. Tuy nhiên, khi đã hòa nhập với môi trường mới, mọi thứ dần ổn định thì khó khăn ập đến với Sùng A Chú.
“Sau khi đăng kí học môn tin học đại cương, em bị mất thiết bị máy tính và điện thoại cá nhân, nên việc học tập cũng vô cùng khó khăn do đặc thù môn học cần sử dụng ôn luyện tại trường và ở nhà”, nam sinh người dân tộc bày tỏ.
Vượt qua khó khăn về thiếu trang thiết bị học tập, trong giờ học, Sùng A Chú cố gắng tiếp thu, lắng nghe kỹ các bài giảng của thầy cô trên lớp và cố gắng ghi nhớ ngay lúc đó. Sau các buổi học, nam sinh thường cùng bạn bè ở lại trường trao đổi, thảo luận kĩ hơn để hiểu bài.
Bên cạnh đó, nam sinh luôn phân bổ thời gian hợp lý giữa công việc làm thêm và học tập, tích cực tham gia vào các hoạt động nghệ thuật của trường, khoa và sự kiện văn hóa cộng đồng để mở rộng tầm hiểu biết, tìm nguồn cảm hứng sáng tạo mới.
Với mục tiêu hoàn thành chương trình đại học và khao khát được trở về quê hương, về với bản làng trên cương vị thầy giáo dạy mỹ thuật. Nam sinh Sùng A Chú mong muốn sẽ góp một phần sức lực để thay đổi bản nghèo nơi mình sinh ra, vượt qua các khó khăn thách thức để mang con chữ tới học sinh vùng cao.