
Nam Phi nằm ở phần đỉnh phía nam của lục địa châu Phi, có đường bờ biển dài hơn 2.500km, chạy qua Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Với tổng diện tích 1.219.912km2, Nam Phi là nước lớn thứ 25 trên thế giới. Đất nước này có hơn 47 triệu dân với nhiều nguồn gốc, văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau. Người da đen châu Phi chiếm 79,5% dân số.
Theo xếp hạng của Liên Hiệp Quốc, Nam Phi có mức thu nhập loại trung bình, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người của Nam Phi tính theo sức mua tương đương đặt nước này vào vị trí một trong 50 nước giàu nhất thế giới. Các lĩnh vực tài chính, truyền thông và năng lượng rất phát triển, nằm trong top 20 thế giới.
Nói đến Nam Phi là nói đến một đất nước có tới 11 ngôn ngữ chính thức, và do đó mà nước này có... 11 tên gọi chính thức. Ngoài ra, nước này cũng công nhận 8 ngôn ngữ không chính thức. Nam Phi có tới... 3 thủ đô: Cape Town là thủ đô lập pháp, Bloemfontein là thủ đô tư pháp và Pretoria là thủ đô hành chính. Điều này bắt nguồn từ sự bất đồng giữa 4 thành phố lớn trong việc lựa chọn địa điểm thủ đô và đã dẫn tới thỏa hiệp trên. Việc bố trí rườm rà như hiện nay khiến cho các bộ trưởng, công chức và các nhà ngoại giao phải di chuyển như con thoi giữa hai thủ đô hành chính và lập pháp mỗi khi Quốc hội họp. Quốc hội muốn chuyển đến Pretoria nhưng đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân Cape Town, họ cho rằng Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) cố gắng tập trung quyền lực.

Nhắc tới Nam Phi là nhớ tới chế độ phân biệt chủng tộc - apartheid và tên tuổi của Nelson Mandela - người gắn với lịch sử đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của Nam Phi nói riêng và của thế giới nói chung; biểu tượng của tự do và bình đẳng. Sau 27 năm ở tù, năm 1993, Nelson Mandela thắng cử, trở thành Tổng thống Nam Phi, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước này. Cũng chính Nelson Mandela đã đi khắp thế giới vận động để đưa World Cup 2010 đến với Nam Phi, với lục địa đen.
“Số phận” của bóng đá Nam Phi cũng thăng trầm như lịch sử chính trị sóng gió của quốc gia này. Tại hội nghị của LĐBĐ châu Phi lần thứ hai năm 1958, Nam Phi chính thức bị loại khỏi Liên đoàn. Cùng năm, LĐBĐ Nam Phi dành cho người da trắng gia nhập FIFA, nhưng đến tháng 8.1960 họ nhận được tối hậu thư trong vòng một năm phải cải tổ để phù hợp với tiêu chí không kỳ thị chủng tộc của FIFA. Vào ngày 26.9.1961, tại hội nghị thường niên của FIFA, Nam Phi bị tước tư cách thành viên. Lệnh cấm được gỡ bỏ vào tháng 1.1963. Hội nghị thường niên của FIFA lần tiếp theo được tổ chức vào tháng 10.1964 tại Tokyo, lần này có đông đảo hơn các thành viên của châu Á và châu Phi tham dự, lệnh cấm Nam Phi lại được đưa ra thảo luận và thông qua.

Đến năm 1976, sau cuộc nổi dậy ở Soweto, Nam Phi chính thức mất tư cách thành viên của FIFA vì thế giới phản đối chế độ apartheid. Lệnh cấm này kéo dài hơn hai chục năm cho đến năm 1991, khi chế độ apartheid dần bị xóa bỏ, Liên đoàn bóng đá đa chủng tộc Nam Phi được thành lập và gia nhập FIFA. Ngày 7.7.1992, đội tuyển Nam Phi thi đấu lại trận đầu tiên và đánh bại Cameroon với tỷ số 1-0. Từ đó, Nam Phi nhanh chóng chứng tỏ vị thế một đội bóng mạnh của châu lục khi giành quyền tham dự hai VCK World Cup 1998 và 2002, đoạt chức vô địch châu lục năm 1996, và đặc biệt trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên vinh dự đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới.
Khi FIFA tuyên bố Nam Phi giành quyền đăng cai VCK World Cup 2010, hầu hết các trang báo đều chọn hình ảnh Nelson Mandela tươi cười cầm Cup vàng. Hãy chúc cho World Cup lần đầu được tổ chức tại lục địa đen thành công và đội tuyển chủ nhà gây được bất ngờ.
Một trong những thế mạnh hàng đầu của Nam Phi là tài nguyên khoáng sản dồi dào, có giá trị cao. Nam Phi đứng đầu thế giới về khai thác mỏ và quặng, và có nguồn dự trữ khổng lồ với gần 90% trữ lượng platinum của trái đất, 80% trữ lượng mangan, 73% trữ lượng crom, 45% vandium và 41% vàng. Nam Phi đứng thứ 3 trong các nước lớn nhất về khai thác kim cương với sản lượng hàng năm đạt 15 triệu cara. Chính vì tầm quan trọng của việc này mà Quốc hội Nam Phi thành lập riêng Ủy ban về khai thác mỏ. |