Chuyến thăm của hai quan chức đứng đầu ngành ngoại giao và quốc phòng Mỹ diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đối mặt hàng loạt thách thức về đối ngoại, khi các điểm nóng xung đột trên thế giới, đặc biệt là căng thẳng giữa Israel và Palestine, tiếp tục leo thang.
Tuy nhiên, Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương vẫn được xem là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Vì vậy, chuyến công du lần này đã thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của Mỹ trong củng cố vai trò tại Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương.
Trong chuyến công du lần này, Bộ trưởng Antony Blinken lần lượt thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và tham dự Ðối thoại 2+2 tại Ấn Ðộ. Tại Tokyo và Seoul, ông Atony Blinken nêu bật cam kết của Mỹ về bảo vệ hai đồng minh chủ chốt trong khu vực, cũng như tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác ba bên Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc trong thúc đẩy một khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng tham dự Ðối thoại 2+2 tại Ấn Ðộ trước khi đến Hàn Quốc và Indonesia. Đây là chuyến thăm thứ 9 của ông đến khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương.
Tại Đối thoại 2+2, ông Antony Blinken cho biết, Ấn Độ và Mỹ đang thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và an toàn, bao gồm việc tăng cường quan hệ đối tác trong khuôn khổ "Nhóm Đối thoại 4 bên về an ninh" (QUAD). Trọng tâm là tăng cường quan hệ đối tác vì hòa bình, an ninh quốc tế và đặc biệt nỗ lực thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ, duy trì các nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Trong lĩnh vực quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nhấn mạnh, đây vẫn là một trong những trụ cột quan trọng nhất trong mối quan hệ song phương Ấn Độ-Mỹ. Hai bên có sự hội tụ ngày càng tăng về các lợi ích chiến lược và tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh và tình báo.
Các chuyến thăm liên tiếp của hai quan chức đầu ngành đến khu vực không chỉ thể hiện rằng, Mỹ đang nỗ lực duy trì liên kết chặt chẽ với các đối tác và hai đồng minh cốt lõi ở Ðông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn khẳng định cam kết của Mỹ trong nỗ lực thúc đẩy một khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, kết nối, thịnh vượng, an toàn và kiên cường.
Giới chuyên gia nhận định rằng, việc Mỹ liên tiếp triển khai các bước đi để cường kết nối với các nước trong khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương, không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược, mà còn mang lại những tiềm năng hợp tác kinh tế to lớn cho Mỹ. Theo Bộ Tài chính Mỹ, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Mỹ và các nước trong khu vực tăng đều đặn trong thập niên qua, đạt 2,28 nghìn tỷ USD năm 2022, tăng hơn 25% kể từ năm 2019. Và khu vực này chiếm gần 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhấn mạnh, Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương là trung tâm của nền kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21, khi chiếm khoảng 50% dân số thế giới và 2/3 tăng trưởng toàn cầu, đồng thời quy tụ nhiều nền kinh tế hàng đầu. Do đó, việc nỗ lực xây dựng mối liên kết sâu sắc hơn với các quốc gia trong khu vực đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ, cũng như trong việc duy trì một chuỗi cung ứng an toàn và bền vững hơn.