Soạn giả Mai Văn Lạng: “Tiếng thơm muôn thuở, mãi còn lưu danh”
Chiều 19.7, trên xe bus, tôi nghe tin thông báo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời. Cảm xúc nghẹn ngào, xúc động trào dâng ngay lúc ấy thôi thúc tôi đặt lời ca bài chèo Nhớ bác Nguyễn Phú Trọng. Trong phần ngâm sổng, tôi viết: Một đời liêm chính vì nước vì dân/ Người về cõi nhớ thương tiếc muôn phần. Người ra đi, mãi mãi trở thành nỗi nhớ.
Viết xong, tôi đưa lên trang facebook cá nhân, lập tức đã có hàng trăm người bình luận, chia sẻ. Ngay tối hôm ấy, hàng chục người yêu chèo khắp cả nước đã cùng cất lên bài chèo Nhớ bác Nguyễn Phú Trọng và đến giờ đã lên tới hàng trăm người thể hiện.
Tôi làm Trưởng phòng Dân ca, Ban Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam mấy chục năm, cho nên việc bảo tồn gìn giữ âm nhạc dân ca truyền thống vốn được tôi rất chú ý. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, trong phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian nói về bảo tồn các làn điệu dân ca. Người còn dẫn lại việc Bác Hồ trước lúc đi xa muốn nghe một khúc dân ca.
Vì thế, tôi nghĩ rằng nếu chỉ viết bài chèo thì chưa đủ. Chiều 20.7, tôi viết bài dân ca ví giặm xứ Nghệ Bác Trọng trong lòng nhân dân, trong đó phần ngâm thơ, tôi viết: Vẫn biết là sinh, lão, bệnh, tử/ Quy luật muôn đời không ai tránh được phải đi xa/ Nhưng tin Bác Trọng ra đi triệu người Việt Nam thương nhớ lệ nhòa/ Không ai bảo ai đều thay ảnh đại diện bằng dòng tang thương nhớ Bác…
Đến điệu tứ hoa, tôi viết: Khúc hát dân ca ru hồn dân tộc, xin hát dâng người trước lúc đi xa/ Đông Hội thân yêu, đất mẹ quê nhà/ Lại đón nhận người con một đời vì nước/ Một người miệng nói tay làm không ngừng chân bước/ Không sờn lòng, không tiếc tháng ngày xanh… Có lẽ, chính vì cảm xúc, những ấn tượng về ông đã giúp tôi sáng tác nhanh đến thế.
Bác Nguyễn Phú Trọng là người am tường văn hóa dân tộc. Tôi đi nhiều nơi, cảm nhận rõ trong thời gian ông làm lãnh đạo, văn hóa dân tộc đã sống lại, phát triển. Làng nào, xã nào cũng có đội văn nghệ, khắp nơi lan tỏa phong trào gìn giữ dân ca và nhạc cổ truyền. Để giờ đây, những “khúc hát dân ca ru hồn dân tộc” ấy sẽ cùng vang lên, yêu kính, tiễn biệt ông…
Nhạc sĩ Lê Thống Nhất:“Hóa mây bạc trắng, sống cùng nước non”
Một lòng vì Đảng, vì Dân/ Cả đời Liêm, Chính, Kiệm, Cần, Hiếu, Trung/ Khí phách như Bách, như Tùng/ Hóa mây bạc trắng, sống cùng nước non.
Đây là 4 câu thơ tôi đã sáng tác khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất. Sau khi xem nhiều bài báo và chương trình về cuộc đời và sự nghiệp của ông, từ ý tứ 4 câu thơ đã thôi thúc tôi sáng tác một ca khúc. Tôi đã trăn trở suốt 3 ngày và thử nhiều phương án khác nhau.
Viết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất khó, đặc biệt ca từ và âm nhạc phải giản dị như cuộc đời của ông, nghiêm trang thành kính, tiếc thương nhưng ngợi ca. Viết làm sao để nhiều người hát được. Và khi tôi chuyển cho nhạc sĩ hòa âm, thì nhạc sĩ đề nghị chuyển thành hợp xướng.
Bài hát Khúc ca vĩnh biệt Người tuy không đưa tên ở ca từ nhưng người nghe chắc chắn đều hiểu đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một vì sao trên trời lấp lánh/ Một con người trong triệu trái tim/ Một cuộc đời vì dân, vì nước. Với mong ước Tổ quốc quang vinh…
Qua ca từ tôi muốn nhấn mạnh 3 điều mà tôi cảm nhận về Bác: Bác Trọng là người thực sự học tập tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách sống cần, kiệm, liêm, chính, sống chan hòa với nhân dân và được dân yêu. Trong giai đoạn Bác lãnh đạo đất nước, vị thế của Việt Nam được nâng lên rõ rệt trên thế giới. Bác cũng được người dân đặt niềm tin khi đã kiên trung, kiên cường trong công tác phòng chống tham nhũng.
Dự kiến, đêm 24.7, trước ngày tổ chức lễ quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi sẽ công bố chính thức tác phẩm này.
Nhà thơ Lương Đình Khoa: “Cánh sen thơm trọn đến phút rời cành”
Trưa ngày 19.7, nghe tin về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư, tôi chưa dám tin, nhưng nước mắt cứ ứa ra. Cho đến 18h hôm đó, VTV1 chính thức đưa tin, thì tôi mới chấp nhận đó là sự thật. Ngay lập tức, tôi vào Facebook đổi ảnh đại diện đen trắng tưởng niệm Người. Cảm xúc trào dâng, đêm hôm đó là thời gian tôi dành để tri ân, để nghĩ và viết nên bài thơ Trái tim ngừng đập - chuông lòng hoài ngân, thay nén tâm nhang gửi từ một trái tim nhỏ bé chảy dòng máu Việt tới một cuộc đời lớn đã tận hiến cho nhân dân.
Sông Hồng chiều ngày 19 tháng 7 năm 2024 - phù sa dồn mặn chát/ Cánh sen thơm trọn đến phút rời cành. Vẫn biết là quy luật vô thường của cuộc sống, và Tổng Bí thư đã hoàn thành sứ mệnh với đất nước, nhưng tôi vẫn thấy tiếc thương vô hạn…
Bài thơ đã được hoàn thànhtrong đêm 19.7, trong đó có nhắc đến những câu nói đáng nhớ của ông mà tôi thấy vô cùng tâm đắc: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người mang lại hạnh phúc cho nhân dân!"
Màu thời gian trên tóc/ Ước vọng dệt non sông/ Chữ S bờ biển Đông/ Những khung trời hoa gấm.
Đêm hóa ngàn mây trắng/ Bay khắp trời Việt Nam/ Nguyện cầu và kính ơn/ Một cuộc đời sen ngát...