Từ những sản phẩm gần gũi, mang giá trị truyền thống
Gốm sứ Bát Tràng - sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống đã rất quen thuộc với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Trong số 6 sản phẩm OCOP của Hà Nội được Trung ương công nhận 5 sao, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) vinh dự có 4 sản phẩm gồm: bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ; bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen; bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng; bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen. Đến nay, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu ra nhiều thị trường quốc tế như: Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha... Chứng nhận 5 sao OCOP như một sự bảo đảm, khẳng định hơn nữa về chất lượng sản phẩm để gốm sứ Quang Vinh tiếp tục chinh phục thị trường trong và ngoài nước.
Nói về các sản phẩm OCOP của Công ty, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh Hà Thị Vinh chia sẻ, để được đánh giá 5 sao, điều đầu tiên là sản phẩm phải bảo đảm chất lượng tốt nhất từ nguyên liệu đầu vào cho đến phối liệu và quá trình nung. Các khâu sản xuất không chỉ đạt tiêu chuẩn kỹ thuật để ra được sản phẩm đẹp mắt, mà còn phải bảo đảm không gây độc hại cho người sử dụng. Bà Vinh cũng cho biết: “Không chỉ có chất lượng tốt, các sản phẩm được đánh giá 5 sao của công ty còn mang đậm giá trị nghệ thuật, tính thẩm mỹ cao. Đây cũng là các sản phẩm thể hiện được “hồn cốt” của dân tộc với hình ảnh hoa sen, chim én, rồng phượng được trình bày rất khéo léo. Thông qua những họa tiết đó, chúng tôi muốn gửi gắm những ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, truyền thống và đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân Việt Nam để người tiêu dùng, thị trường biết và trân trọng sản phẩm hơn.
Không chỉ gốm sứ Bát Tràng, nón lá làng Chuông cũng là một trong những sản phẩm thủ công đặc sắc, gần gũi, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của dân tộc. Nón lá không chỉ là vật che mưa, che nắng, mà chiếc nón lá còn chứa đựng cả kho tàng lịch sử nền văn minh lúa nước của người Việt. Nón làng Chuông ở xã Phương Trung, huyện Thanh Oai đã vinh dự được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2021.
Theo chia sẻ của các nghệ nhân làng Chuông, nghề làm nón lá đã và đang mang lại nguồn thu cho hơn 4.000 người dân địa phương. Từ làng Chuông, những chiếc nón quai thao, nón lá già ghép sống đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu tới nhiều thị trường, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Pháp, Mỹ, Australia… được khách hàng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Sau khi được chứng nhận OCOP 4 sao, nón làng Chuông ngày càng gia tăng giá trị, thuận lợi trong tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Tính lũy kế từ năm 2019 đến nay, TP. Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm OCOP. Điều đặc biệt là trong mỗi sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP đều gắn với một câu chuyện riêng về văn hóa, truyền thống của mỗi vùng đất, cộng đồng. Những cái tên như gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm); tò he Xuân La (Phú Xuyên); cốm Mễ Trì (Nam Từ Liêm); quạt Chàng Sơn, chuồn chuồn tre Thạch Xá (Thạch Thất); rối nước Đào Thục (Đông Anh); đúc đồng Ngũ Xã (Ba Đình); mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ); nón Chuông (Thanh Oai); lụa Vạn Phúc (Hà Đông)… đã không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết đến, mà còn trở thành “sứ giả” của một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc được du khách nước ngoài ưa chuộng, ngợi ca.
Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, mỗi sản phẩm OCOP đều là “sứ giả văn hóa” của một địa phương, thể hiện truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân Thủ đô. Do vậy, việc khai thác triệt để các yếu tố thể hiện giá trị văn hóa bản địa kết tinh trong sản phẩm OCOP để giới thiệu đến du khách là rất cần thiết. Để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội đã hỗ trợ các chủ thể sản xuất có sản phẩm đặc hữu, đặc trưng, thế mạnh đầu tư sản xuất để gia tăng số lượng, chất lượng, tạo sức lan tỏa của sản phẩm đến với người tiêu dùng, trong đó chú trọng tuyên truyền về giá trị văn hóa của sản phẩm.
Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ
Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu có 2.000 sản phẩm được đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Với nỗ lực, quyết tâm cao, đến đầu năm 2024, TP. Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 1.657 sản phẩm (đạt 82,9% kế hoạch). Trong năm 2024, các quận, huyện, thị xã tiếp tục đăng ký đánh giá, phân hạng 510 sản phẩm. Như vậy, đến hết năm 2024, dự kiến số lượng sản phẩm OCOP của TP. Hà Nội sẽ vượt mục tiêu đề ra trước 1 năm.
Bên cạnh việc đánh giá, phân hạng mới, TP. Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiếp tục hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm đã hết thời hạn hiệu lực (3 năm); hỗ trợ các chủ thể nâng sao cho những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng, từ đó hỗ trợ phát triển, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới TP. Hà Nội Nguyễn Văn Chí, tới đây, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo để phát triển dịch vụ thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt, khuyến khích phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với các loại hình thương mại, dịch vụ điện tử.
Tính đến hết năm 2023, TP. Hà Nội xây dựng được 10 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn 8 huyện: Phú Xuyên, Gia Lâm, Ứng Hòa, Đông Anh, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức và quận Hà Đông. Theo kế hoạch, năm 2024, thành phố công nhận 5 - 10 mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Bên cạnh đó, phát triển được 105 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đây là cầu nối quan trọng để các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Để các sản phẩm OCOP phát triển ổn định, bền vững, bên cạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ thì nhiều chủ thể cũng không khỏi trăn trở về việc bảo đảm nguyên liệu đầu vào ổn định, chất lượng cao, hợp pháp. Đây là những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường, các nhà quản lý trong thời đại công nghệ số, nhất là với các nhà nhập khẩu tại các nước phát triển và đó cũng chính là những khó khăn của các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP hiện nay. Để giải quyết khó khăn này, nhiều chủ thể đã tham gia vào mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và hộ gia đình tại một số làng nghề nhằm chuyển đổi nguyên liệu đầu vào tại các làng nghề này. Trong mối liên kết này, phía doanh nghiệp sẽ cung cấp nguyên liệu đầu vào, tư vấn công nghệ và cách thức quản lý, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
Có thể thấy, đằng sau mỗi một sản phẩm OCOP có sự chung tay của rất nhiều con người, giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Do đó, TP. Hà Nội cần quan tâm hơn nữa đến chính sách phát triển làng nghề; trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nguyên liệu sản xuất hợp pháp có chất lượng, có chính sách quản lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển làng nghề gắn với du lịch để mang lại giá trị kinh tế đa dụng, liên kết hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP, để doanh nghiệp và hộ sản xuất yên tâm xây dựng sản phẩm OCOP ngày càng chất lượng hơn.
(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới TP. Hà Nội)