Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, nhiều nước đã quan tâm đến việc chuẩn bị mọi mặt để ứng phó với sự cố thiên tai, thảm họa, chiến tranh xảy ra. Từ đó, thuật ngữ phòng thủ dân sự xuất hiện và được thể chế hóa thành luật ở nhiều quốc gia như: Đan Mạch (1949), Mỹ (1954), Pháp (1957), Thụy Điển (1960)... Các văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự ở các quốc gia thể hiện rõ khái niệm, nhiệm vụ, chức năng, nguyên tắc tổ chức, sử dụng lực lượng, công tác chuẩn bị bảo đảm cho các lực lượng tham gia nhiệm vụ phòng thủ dân sự.
Ở Canada, các biện pháp phòng thủ dân sự phát triển theo thời gian. Cũng như nhiều vấn đề khác, trách nhiệm được chia sẻ giữa Chính phủ liên bang và tỉnh. Điều phối viên phòng thủ dân sự đầu tiên sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II được bổ nhiệm vào tháng 10. 1948 “để giám sát công việc của chính quyền liên bang, tỉnh và thành phố trong việc lập kế hoạch cho các nơi trú ẩn của cuộc không kích công cộng, thực phẩm khẩn cấp và vật tư y tế, cũng như sơ tán các khu vực có thể là mục tiêu”. Năm 1959, Chính phủ Canada, dưới thời Thủ tướng John Diefenbaker lúc đó đã trao quyền phòng thủ dân sự cho Tổ chức Các biện pháp Khẩn cấp (EMO). Các hầm trú ẩn lớn với tên gọi "Diefenbunkers” được xây dựng tại nông thôn bên ngoài các thành phố lớn trên khắp Canada vào thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh.
EMO sau đó trở thành cơ quan Kế hoạch khẩn cấp Canada vào năm 1974, rồi Cơ quan Chuẩn bị cho tình trạng khẩn cấp Canada vào năm 1986. Tháng 2. 2001, Chính phủ thay thế cơ quan này bằng Văn phòng Bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và chuẩn bị khẩn cấp (OCIPEP), chịu trách nhiệm lập kế hoạch khẩn cấp dân sự trong cả thời bình và chiến tranh.
Trong số “Nhiệm vụ cốt lõi” của Chiến lược Phòng thủ đầu tiên của Canada (thuộc Bộ Quốc phòng Canada) là ứng phó với các cuộc tấn công khủng bố và các cuộc khủng hoảng khác như thiên tai. Theo Đạo luật Quản lý khẩn cấp, Bộ trưởng Bộ An toàn công cộng và Ứng phó khẩn cấp chịu trách nhiệm thực hiện quyền lãnh đạo liên quan đến quản lý tình huống khẩn cấp ở Canada bằng cách phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ với các tỉnh và các tổ chức khác, các hoạt động quản lý khẩn cấp.
Phòng thủ dân sự ở Thụy Điển “bao gồm một loạt các hoạt động do xã hội tiến hành nhằm tăng cường khả năng đối phó với tình trạng cảnh giác cao độ và chiến tranh”. Mục tiêu là bảo vệ dân thường; đóng góp cho hòa bình và an ninh; và tăng cường khả năng của xã hội để ngăn ngừa và quản lý các trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng trong thời bình.
Có thể nói đây là quốc gia có công tác chuẩn bị cho phòng thủ dân sự tương đối hoàn thiện. Đạo Luật 74 của Thụy Điển quy định: Nhiệm vụ của phòng thủ dân sự là phòng chống tập kích của không quân đối phương, giải quyết hậu quả do vũ khí sát thương hàng loạt; sơ tán người dân, các cơ sở sản xuất; xây dựng hệ thống hầm trú ẩn, công trình phòng tránh; tổ chức cấp cứu, cứu chữa người bị thương, bị nạn; bảo vệ an ninh trong điều kiện đặc biệt phức tạp. Năm 1967, nhiệm vụ phòng thủ dân sự của Thụy Điển có sự phát triển mới, hướng vào chuẩn bị các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa xảy ra ngay trong thời bình. Phòng thủ dân sự của Thụy Điển chia đất nước thành các khu vực (tương ứng với địa giới hành chính tỉnh); trong mỗi khu vực được chia thành các tiểu khu, mỗi tiểu khu được chia thành các vùng. Lực lượng phòng thủ dân sự của Thụy Điển gồm: lực lượng phòng thủ dân sự đặc biệt, lực lượng phòng thủ dân sự rộng rãi. Lực lượng phòng thủ dân sự đặc biệt là lực lượng chuyên trách, được tổ chức theo khu vực, gồm: các đội cứu chữa cơ động, trung đội vệ sinh - y tế và các tổ không quân.
Tây Ban Nha bắt đầu các chính sách phòng thủ dân sự vào những năm 1940 và 1960, Tổng cục Bảo vệ dân sự và các tình huống khẩn cấp, một bộ phận của Bộ Nội vụ nhằm để phát triển chính sách của Chính phủ về bảo vệ dân sự. Ngoài ra, các khu vực và thành phố trực thuộc Tây Ban Nha cũng có kế hoạch phòng thủ dân sự của riêng mình. Ngoài ra, từ năm 2006, nước này thành lập một đơn vị khẩn cấp thuộc Quân đội để giúp phòng thủ dân sự.
Ở Thụy Sĩ, Văn phòng Liên bang Thụy Sĩ về bảo vệ dân sự (FOCP), thuộc Bộ Quốc phòng, Bảo vệ dân sự và Thể thao Liên bang, chịu trách nhiệm điều phối các dịch vụ phòng thủ dân sự. Thụy Sĩ từng xây dựng một mạng lưới rộng lớn các nơi trú ẩn trong thời kỳ chiến tranh lạnh, bao gồm cả Đường hầm Sonnenberg. Ngoài ra, nước này cũng có dự trữ bắt buộc các mặt hàng thiết yếu...
Trong khi đó, Trung Quốc xác định nhiệm vụ phòng thủ dân sự là tập trung đối phó với những sự cố bất ngờ, gây tổn thất nghiêm trọng về người, tài sản như: chiến tranh, thiên tai, sự cố môi trường, sự kiện an toàn xã hội... Để ứng phó với những sự cố bất ngờ, Trung Quốc rất coi trọng việc sử dụng lực lượng vũ trang, xác định đây là lực lượng xung kích, chủ yếu. Đồng thời, thực hiện cơ chế động viên quốc phòng, động viên toàn xã hội tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa và bảo đảm hậu cần cho các lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự…